Hà Tĩnh: “Điểm tựa” cho môi trường từ những mô hình

Đức Cảnh| 31/10/2021 16:26

(TN&MT) - Mô hình "Phụ nữ sống xanh" hay “Phân loại rác tại nguồn”... thời gian qua đã tạo sức hút cộng đồng cùng tham gia, trở thành "điểm tựa" cho công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh.

Xuất phát từ thực tế xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở các xã miền núi, nông thôn, việc hoàn thiện các tiêu chí là vô cùng khó khăn, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Trăn trở, làm sao để thay đổi nhận thức số đông người dân vốn sống theo thói quen, chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, cần có sự tận tâm, tận hiến của người “chỉ lối”.

Nói về những ngày đầu xây dựng NTM của địa phương, ông Lê Văn Lợi- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hương, huyện Vũ Quang cho biết: Năm 2010, bước vào xây dựng NTM với 95 % dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, năm nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai nên việc “bắt đầu từ đâu” trở thành bài toán cần lời giải, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Hội Nông dân Hà Tĩnh trao tặng dụng cụ đựng rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển

Từng bước tháo gỡ những khó khăn, thông qua các tổ chức Hội, như: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... được cán bộ chuyên môn tập huấn nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống con người, tác động của con người đến môi trường để từ đó hướng dẫn giải pháp bảo vệ.

Phụ nữ huyện Vũ Quang thu gom rác thải nhựa tái chế gây quỹ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Cũng chính từ các tổ chức Hội, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động vừa mục đích để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Bước đầu có thể ghi nhận những mô hình như: “Phụ nữ sống xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh triển khai mô hình "Phụ nữ sống xanh" , truyền tải thông điệp đi chợ không túi nilon

Áp dụng hiệu quả đã giúp Đức Hương giải được bài toán cho môi trường, hoàn thiện các tiêu chí vào năm 2016 và trở thành đơn vị dẫn đầu toàn huyện Vũ Quang, đồng thời tạo nên “cú hích” lớn làm thay đổi toàn diện, cảnh quan, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, môi trường ngày một xanh - sạch - đẹp.

Hơn thế nữa, những kinh nghiệm thực tế của địa phương, các mô hình bảo vệ môi trường như ở Đức Hương được các tổ chức Hội được nhân rộng. Từ đó, ý tưởng thành lập các Tổ liên gia để đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các mô hình ra đời, thực tế phát huy được hiệu quả và trở thành phong trào rộng lớn.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM luôn khó thực hiện. Thế nhưng, việc phát huy hiệu quả từ những mô hình bảo vệ môi trường được thực hiện ở Đức Hương trở thành hình mẫu - một xã có xuất phát thấp nhưng với nỗ lực đã đạt chuẩn NTM thì việc tiếp theo là nhân rộng mô hình trên toàn huyện”.

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh triển khai mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại huyện Lộc Hà với thông điệp bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động, dù là nhỏ nhất

Tương tự, có thể ghi nhận những thành công ban đầu của mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” được triển khai hiệu quả tại huyện Thạch Hà, các cấp, cách ngành và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc tuyên truyền nhân rộng, phổ biến trong nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan- Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Hà cho biết: “Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, vườn tược của người dân rộng nên thích hợp để triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, qua đó góp phần thành công rất lớn trong việc thu gom, đặc biệt là giảm được rác thải rất nhiều trong quá trình xử lý tại các nhà máy xử lý.

Mô hình phân loại rác tại nguồn đang phát huy hiệu quả, góp phần giảm áp lực cho công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM

Được biết, trong tổng số 22 xã trên địa bàn huyện Thạch Hà, đến nay 13 xã có trên 70 % số hộ dân đồng ý tham gia phân loại rác tại nguồn, trong đó có những xã đạt trên 80 %. Với mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải đưa đi xử lý, các hộ dân có thêm rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng.

Ngành TN&MT Hà Tĩnh tích cục đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, cách làm hiệu quả của một số mô hình bảo vệ môi trường, đặc biệt là mô hình phần loại rác tại nguồn đang được đơn vị phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện nhân rộng. Theo lộ trình phấn đấu, đến năm 2025, Hà Tĩnh thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở tất cả các địa phương, tăng cường chất thải thu hồi để tái chế hoặc chế biến chất thải hữu cơ ở đô thị là 10% và ở nông thôn là 30% và tăng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Thay đổi thói quen xả rác, tạo cảnh quan xanh- sạch – đẹp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế xây dựng NTM tại Hà Tĩnh cho thấy, không quá sớm khi nói rằng đóng góp từ những mô hình đang dần khẳng định là “điểm tựa” bền vững cho công tác bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: “Điểm tựa” cho môi trường từ những mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO