Hà Tĩnh chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai với tinh thần cao nhất để giảm tối đa thiệt hại

Đức Cảnh| 14/05/2021 14:44

(TN&MT) - Trước mùa mưa bão đang đến gần, được dự báo sẽ không nghiêm trọng như năm 2020 nhưng cũng diễn ra phức tạp, khó lường, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Hợi- Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó.

PV: Xin ông có thể sơ lược về thiệt hại mà mùa mưa bão gây ra đối với địa phương trong năm 2020 ?

Ông Ngô Đức Hợi:

Năm 2020, tình hình hiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020 gây thiệt hại hết sức nặng về dân sinh, cơ sở hạ tầng.Thiên tai đã làm 7 người chết, 1 người mất tích, 47 người bị thương cùng với 4.300 nhà bị tốc mái, hư hỏng, gần 8.000 ha diện tích cây trồng các loại bị đổ gãy, hư hỏng; hơn 3.900 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và 952.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 270 tấn giống, 16.959 tấn lương thực, 360 tấn muối và 2.593 tấn thức ăn gia súc cùng nhiều vật dụng, đồ dùng, trang thiết bị ngập nước, hư hỏng.

Mưa lũ cũng gây sạt lở, cuốn trôi hàng nghìn khối đất, đá, hàng chục cống tiêu giao thông, một số tuyến kè bờ sông, bờ biển... Tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trận mưa lũ diễn ra vào năm 2020 nhấn chìm nhiều vùng quê tại Hà Tĩnh

PV: Là địa phương thường xuyên bị thiên tai, đặc biệt là bão, lũ gần như năm nào cũng xảy ra, Hà Tĩnh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì trong công tác chủ động ứng phó ?

Ông Ngô Đức Hợi :

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”. Công tác khắc phục, tái thiết sau bão luôn được tỉnh chú trọng và tập trung cao với phương châm “không để người dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt nhờ thế đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Ông Ngô Đức Hợi- Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, công tác dự báo cũng hết sức quan trọng, góp phần kịp thời nắm bắt được diễn biến của thời tiết để có phương án ứng phó; Việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân là một việc rất quan trọng. Qua đó giúp người dân chủ động phòng, chống khi có thiên tai xảy ra.

PV: Mùa mưa bão năm 2021 đang đến gần, dự báo trên địa bàn sẽ như thế nào, thưa ông ?

Ông Ngô Đức Hợi:

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường nên cũng rất khó lường. Những tháng đầu năm đã xuất hiện nhiều trận lốc xoáy kèm theo sét đã làm thiệt hại hàng trăm ngôi nhà ở các địa phương Hương Sơ, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ.

Trong khi đó, các công trình phòng chống thiên tai, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ hoạt động cho các cơ đơn vị còn hạn chế; tính chuyên nghiệp của lực lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp chưa cao dẫn đến việc tham mưu ứng phó nhiều lúc còn lúng túng, bị động. Vì vậy đề nghị các địa phương, các, đơn vị phải hết sức chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, đặc biệt phải chú trọng trong giai đoạn phòng ngừa.

PV: Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo thực hiện như thế nào ?

Ông Ngô Đức Hợi:

Với một tỉnh có điều kiện tự nhiên và khí hậu bất thuận, trong khi cơ sở hạ tầng cho phòng chống thiên tai, lũ, lụt còn hạn chế; vì vậy trong nhiều năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xẩy ra và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm quan trọng trong đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế của Hà Tĩnh, trong đó chú trọng “3 chính”: Phòng là chính, 4 tại chổ là chính, dựa vào dân và chính quyền cơ sở là chính nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có

Yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động, sẵn sàng các phương án trước mọi tình huống có thể xảy ra, tuyệt đối tránh để bị động, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của người dân.

Phải xây dựng các tình huống sát tình hình thực tế, theo dõi chặt diễn biến thời tiết để cập nhật các phương án ứng phó, tổ chức điều hành với tinh thần trách nhiệm cao nhất; đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, tránh để bị ảnh hưởng do mưa bão; lên kế hoạch nắm rõ các vùng, từng hộ dân có thể bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, tuyệt đối không để người dân nào nằm trong vùng nguy hiểm...

Là địa phương thường xuyên bị thiên tai, gần như năm nào người dân Hà Tĩnh cũng phải chịu nhiều thiệt hại do mưa, bão gây ra

Đặc biệt lưu ý đến các điểm xung yếu, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy. Đối với các vùng ven biển thì cần phải có kế hoạch di dời dân khi có bão lũ.Chú trọng đến các phương án vận hành thoát lũ tại các hồ chứa lớn trên địa bàn; đồng thời, rà soát các công trình thủy lợi để có phương án ứng phó khi sự cố xẩy ra.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho nhân dân, nhất là vùng có nguy cơ cao; tăng cường vai trò, năng lực tổ chức, chỉ huy của cấp xã với phương châm “4 tại chỗ”.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp cùng chung sức trong công tác phòng, chống thiên tai.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Đức Cảnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai với tinh thần cao nhất để giảm tối đa thiệt hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO