Hà Tĩnh: Cảnh giác với thủ đoạn làm “sổ đỏ” giả để lừa đảo

Đức Cảnh - Văn Phụ| 30/06/2021 16:49

(TN&MT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng “sổ đỏ” giả để thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai. Tình trạng này đang diễn biến hết sức phức tạp, khi thủ đoạn làm phôi giả đúng như nguyên bản, giả mạo chữ ký của lãnh đạo, con dấu của hết sức tinh vi.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, tình trạng làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) đã xẩy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, qua hoạt động chuyên môn ở các huyện, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn đã phát hiện năm trường hợp sử dụng phôi giả, mạo chữ ký của lãnh đạo, con dấu của Sở TN&MT để thực hiện các giao dịch về đất đai.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang phản ánh: “Giấy chứng nhận giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện, chỉ có những viên chức có chuyên môn, có kinh nghiệm nhiều năm mới nhận biết, đánh giá và phát hiện được thông qua nhận dạng chữ ký của lãnh đạo Sở”.

Sở TN&MT Hà Tĩnh khuyến cáo các cá nhâ, tổ chức cần thận trọng trong các giao dịch có liên quan đến đất đai

Theo đó, “sổ đỏ” giả được phát hiện theo hai dạng: Sử dụng phôi giấy chứng nhận giả, giả mạo chữ ký, con dấu giả có thông tin giống như trên giấy chứng nhận thực, hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng phát hành và giấy chứng nhận giả, đất không có thực, thông tin trên giấy chứng nhận giả khác với hồ sơ địa chính cơ quan chức năng đang quản lý.

Qua tìm hiểu, lợi dụng sự tiếp cận thông tin của người dân còn có những giới hạn nhất định, các thửa đất đã được làm giả giấy chứng nhận, giả mạo chữ ký và con dấu được phát hiện thường ở những vùng nông thôn; để dễ qua mặt nhiều người, các đối tượng sử dụng giấy giả thường hạ giá tài sản cần bán thấp hơn so với thị trường để thúc đẩy việc mua bán diễn ra nhanh chóng.

Nhận định sâu hơn về vấn đề này, ông Lê Văn Phụ- Cán bộ Phòng Đất đai thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh chia sẽ: “ Sỡ dĩ đối tượng làm giả lợi dụng thông tin có được để làm giả “sổ đỏ” không loại trừ khả năng cao là do thông qua các trung tâm giao dịch bất động sản, lòng tin của người dân khi tiếp xúc với các đối tượng có nhu cầu tìm hiểu đất đai, cung cấp thông tin, chụp ảnh bìa và hồ sơ liên quan”.

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 2171/STNMT-ĐĐ1 về việc chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng phôi GCNQSD đất QSH tài sản gắn liền với đất trên địa bàn nhằm tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp, cung cấp những hồ sơ có liên quan hỗ trợ Công an xử lý những hành vi làm giấy giả.

Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Sở Tư pháp phối hợp tăng cường chỉ đạo các Tổ chức tín dụng, cơ sở công chứng trên địa bàn cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc tiếp nhận tài sản giao dịch nhằm đảm bảo chính xác thực địa, thông tin trong hồ sơ địa chính; kịp thời phản ánh, báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền khi có dấu hiệu nghi ngờ để xử lý.

Hình ảnh so sánh giữa "sổ đỏ" thật và làm giả

Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai, yêu cầu chỉ đạo các Chi nhánh tăng cường và nâng cao tinh thần, trách nhiệm; trình độ chuyên môn trong công tác thẩm định hồ sơ, kịp thời thông báo các biến động đất đai cho UBND các xã, phường, thị trấn để cập nhật và theo dõi; thực hiện nghiêm túc công tác cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, các biến động đất đai phải đối chiếu, kiểm tra trước khi cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính; thực hiện nghiêm túc việc lập, quản lý sổ sách theo dõi tình hình tiếp nhận và sử dụng phối Giấy chứng nhận...Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân hiểu và phòng ngừa, trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất; trong trường hợp cần thiết thì liên hệ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, để ngặn chặn hành vị trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải đẩy nhanh hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hướng tới việc chia sẻ thông tin, cung cấp dịch vụ về thông tin về vị trí, loại đất, đối tượng sử dụng, số Giấy chứng nhận đã cấp, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính liên quan...cho các đối tượng có nhu cầu khai thác chủ động hơn, tránh những trường hợp lợi dụng, giả mạo để lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Cảnh giác với thủ đoạn làm “sổ đỏ” giả để lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO