Hạ tầng “mềm” giúp giảm ngập lụt đô thị

Khánh Ly| 15/06/2022 14:02

(TN&MT) - Giống như nhiều đô thị trẻ ở Việt Nam, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) phải đối mặt với tình trạng ngập úng đô thị ngày càng nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nghiên cứu và đề xuất các phương án, giải pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình theo hướng mở, gần gũi với cảnh quan môi trường tự nhiên.

Càng phát triển càng dễ bị tổn thương

Theo chuyên gia của AFD, đây là nghịch lý trong phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến người dân sinh sống tại khu vực này dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi thời tiết. Do các giải pháp cứng hóa bề mặt và phát triển đô thị trải rộng ở những khu vực có rủi ro tự nhiên lớn như các vùng đồng bằng, nhiều nơi thường xuyên lụt úng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh mưa cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều và khó dự báo.

Qua khảo sát tại TP. Đông Hà, nước ngập ở trong thành phố thoát về hướng Đông và về phía khu vực thấp trũng phía Bắc sông Hiếu. Khả năng thoát nước lũ ra biển hạn chế do các công trình đã thu hẹp nhiều đoạn sông, trong khi khả năng trữ lũ của các hồ chứa nội đô không lớn. Như vậy, dù nguồn nước đến từ lũ trên sông hay mưa cực đoan ở khu vực nội đô, thành phố và các khu vực xung quanh đều bị ngập lụt vì tốc độ lũ thoát ra biển sẽ không thể nhanh như tốc độ lũ dồn về.

anh-1.jpg

Thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) sẽ cải tạo các không gian ven sông, tăng khả năng trữ lũ và giảm ngập lụt đô thị

Thực tế trận lũ lịch sử năm 2020, trong vòng 10 ngày, TP đã chịu ảnh hưởng từ 2 cơn bão kết hợp với mưa lớn ở thượng nguồn sông khiến mực nước dâng nhanh chóng. Trong tương lai, dù là kịch bản phát triển nào, BĐKH sẽ làm gia tăng đáng kể cường độ mưa trong các sự kiện thời tiết cực đoan. Điều này đồng nghĩa với việc TP sẽ tiếp tục đối mặt với lũ lớn chưa từng có, thậm chí, 1 cơn bão cũng có đủ lượng mưa gây ra trận lũ năm 2020.

TP. Đông Hà định hướng tăng trưởng 200% dân số đến năm 2050 và hầu hết quy hoạch phát triển dân cư và thương mại đều ở các khu lưu vực trữ lũ. Theo AFD, việc san lấp dù chỉ một phần khu vực này đều làm tăng mức độ ngập cả về diện tích và độ sâu. Dù có các tuyến cống thoát nước hay không thì người dân vẫn sẽ phải đối mặt với ngập lụt nghiêm trọng, bởi nước không thoát nước nhanh được.

Do vậy, việc hoạch định đô thị trong bối cảnh BĐKH diễn biến phức tạp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Chính quyền thành phố cần tìm hiểu về rủi ro liên quan đến BĐKH và cách thức quản lý các rủi ro trong suốt vòng đời của cơ sở hạ tầng, xem xét yếu tố BĐKH và tác động của nó tới điều kiện đô thị trong tương lai để đề xuất dự án phát triển đô thị. Trong đó, Kịch bản BĐKH mới của Bộ TN&MT là một nguồn cung cấp đầu vào hữu ích cho việc tính toán khả năng ngập của TP.

Diện mạo đô thị cần hài hòa với thiên nhiên

Dự kiến năm 2023, tỉnh Quảng Trị sẽ bắt đầu triển khai dự án “Thành phố xanh: Phát triển đô thị, tăng trưởng xanh và chống chịu khí hậu ở Đông Hà, Việt Nam”, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ thông qua Quỹ WARM. Trọng tâm là cải thiện nền tảng cơ sở hạ tầng thành phố, bao gồm các dự án kè (xung quanh Hói Sòng, bờ Tây sông Thạch Hãn, bờ Bắc sông Vĩnh Phước và bờ Nam sông Hiếu), cải tạo hệ thống thoát nước (hạ lưu hồ Khe Mây, hồ Trung Chỉ và khu thu nhập thấp), nâng cấp cảnh quan đô thị.

Các chuyên gia tư vấn của AFD đã mô hình hóa các hạng mục này để chỉ ra hiệu quả chống sạt lở, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tổng chiều dài bờ sông được kè là 11,7 km, ước tính sẽ bảo vệ hơn 23 ha diện tích đất bờ sông, khơi thông và mở rộng dòng chảy. Các công trình cũng góp phần phòng chống lũ lụt và giảm 26% diện tích ngập lụt khi xuất hiện mưa diện rộng.

Việc thiết kế các hạng mục đều hướng tới bảo vệ môi trường thiên nhiên, sử dụng kè sinh thái, bán sinh thái tạo ra nhiều khu vui chơi giải trí cho cộng đồng và các khu cảnh quan nhiều cây xanh xung quanh bờ sông/kênh, giảm chiếm dụng đất. Không gian trữ lũ được mở rộng bằng cách nâng dung tích 4 hồ: Lương Ngọc Quyến, Đại An, Nguyễn Huệ, Khe Sắn. Những giải pháp can thiệp hạn chế tối đa tác động tới cảnh quan và sinh học dòng sông. Các không gian mở, không gian giao tiếp, vui chơi giải trí ven sông và các không gian công cộng cũng là giải pháp tăng chất lượng sống cho cư dân cũng như nền kinh tế đô thị.

Trên nền tảng cải thiện cơ sở hạ tầng, Dự án cũng hỗ trợ chính quyền TP trong quá trình ra quyết định tăng cường khả năng chống chịu BĐKH, như lập kế hoạch sử dụng đất thích ứng với khí hậu và quản lý lũ lụt; thực hiện chương trình đầu tư và tăng cường các hoạt động kinh tế địa phương, tạo việc làm phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH.

Theo ông Hồ Sĩ Trung, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND TP. Đông Hà, trong tầm nhìn mới, Đông Hà sẽ mang diện mạo của đô thị sinh thái xanh, đô thị thông minh - nơi con người được hưởng thụ ưu đãi thiên nhiên ban tặng. Các nguồn tài nguyên được quy hoạch sử dụng lâu bền cho người dân, trong khi các giá trị sinh thái nhân văn, lịch sử cần được bảo tồn để phát triển bền vững. Đó mới chính gương mặt đích thực của đô thị mang cảm xúc con người, vùng đất, hơi thở cuộc sống đương đại mà Đông Hà đang hướng tới.

Thành phố Đông Hà là một trong 23 đô thị được Thủ tướng Chính phủ chọn vào danh mục đô thị thực hiện thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh để rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng.

Hiện tại, không gian đô thị đã mở rộng về phía Đông, từng bước phát triển mạnh về phía Bắc và tập trung phát triển cân xứng cả hai bờ sông Hiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng “mềm” giúp giảm ngập lụt đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO