Hà Nội: Xây dựng mức hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phù hợp thực tế

Tuyết Chinh| 14/10/2019 09:36

(TN&MT) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa rà soát các chính sách của thành phố hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND thành phố và Quyết định số 31 /2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND thành phố. Từ năm 2015, các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách này.

Liên quan đến hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND nêu rõ, được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn. Các chi phí còn lại được huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án (quy định tại Quyết định số 6230/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 của UBND thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020).

xử lý nước thải làng nghề
Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh minh họa

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 dự án xử lý nước thải làng nghề tại huyện Hoài Đức gồm: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất 20.000m3/ngày - đêm, tổng mức đầu tư dự án 333 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa đầu tư vốn ngoài ngân sách, đã hoàn thành đi vào vận hành khai thác tháng 10/2016; Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng, công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I/2019; Dự án nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, công suất 4.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư dự kiến 139,9 tỷ đồng, hình thức đầu tư xã hội hóa, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, ngày 31/8/2017, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó tiếp tục xác định: Bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, cần được bảo tồn và cơ chế 100% kinh phí cho một số làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn cho các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải, chất thải gây ra, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hằng năm.

Đồng thời, ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các địa phương có làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận.

Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, vì vậy, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, về mặt bằng sản xuất, việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề sẽ được khuyến khích, ưu tiên giao đất, cho thuê đất tạo mặt bằng sản xuất trong các làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất tại các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.

Đồng thời, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp tập trung khi sản xuất ngành nghề đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay diện tích sản xuất tại các làng nghề rất chật hẹp, phần lớn các hộ sản xuất chủ yếu trên diện tích đất ở, vì vậy hiện có nhiều làng nghề có nhu cầu để mở rộng sản xuất.

Căn cứ các quy định hiện hành, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xây dựng mức hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề phù hợp thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO