Hà Nội sắp đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông, công viên

Thanh Tùng| 12/09/2022 15:52

(TN&MT) - Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ khởi công Dự án hầm chui tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng mới 6 công viên, tạo không gian vui chơi cho người dân Thủ đô.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Giao thông) vừa đề xuất với UBND thành phố về tiến độ triển khai một số dự án từ nay đến cuối năm.

Theo đó, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 sẽ khánh thành vào dịp 10/10 (Ngày giải phóng Thủ đô). Cũng dịp này, thành phố dự kiến khởi công dự án hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3.

Tháng 11, thành phố dự kiến khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai.

1.jpg
Mặt cắt dự án hầm chui tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng

Dự án hầm chui tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng có quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890 m theo hướng đường vành đai 2,5. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460 m.

Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5 m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5 m/làn. Tổng giá trị dự toán phê duyệt gần 600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện 2022-2025.

Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội.

Nhà thầu sẽ xây dựng các công trình tiếp cận với tuyến đường sắt đô thị đảm bảo liên thông giao thông vận tải công cộng cho 12 nhà ga và các trạm dừng xe buýt giữa các nhà ga; áp dụng giải pháp về giao thông công cộng.

Trong 10 gói thầu của dự án, gói CW-03 đã được mở thầu. Gói này chiều dài tuyến đường khoảng 7 km, cải tạo mặt đường bị hư hỏng, tổ chức giao thông, lát lại toàn bộ vỉa hè bằng gạch bê tông xi măng vân đá; thay thế bó vỉa, đan rãnh bằng viên bê tông xi măng đúc sẵn...; xây bó gốc cây bằng viên bê tông xi măng, cải tạo nâng cổ các ga thoát nước, ga kỹ thuật theo cao độ mặt đường mới.

Đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao (từ depot Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km phần ngầm (từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội). Dự án có 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm) đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, trong đó điểm đầu là Nhổn, điểm cuối ga Hà Nội. Dự kiến cuối năm nay, đoạn trên cao đi vào hoạt động.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai sẽ khởi công tháng 11/2022. Đoạn đường dài 21,7 km, điểm đầu tại địa phận Ba La, quận Hà Đông, điểm cuối tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tiếp giáp huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình (không bao gồm đoạn qua thị trấn Chúc Sơn - huyện Chương Mỹ), mặt cắt ngang 50-60 m.

Trên tuyến có 7 cầu đường bộ và một cống hộp; 4 nút giao chính, trong đó các nút giao khác mức theo quy hoạch với quốc lộ 21A, đường trục Bắc - Nam và Vành đai 4 sẽ thực hiện theo các dự án riêng.

Trước mắt, khi các nút giao khác mức chưa được đầu tư xây dựng thì đoạn tuyến qua khu vực nút giao được thiết kế theo quy mô mặt cắt ngang phù hợp với chỉ giới đường đỏ, bảo đảm tầm nhìn tối thiểu an toàn. Riêng nút giao Ba La (giao với quốc lộ 21B) thiết kế giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn dẫn hướng.

Theo quyết định phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.

Thực hiện chỉ tiêu "Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố" tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND TP mới đây đã ban hành Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2025, sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên. Đây đều là những công viên đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư và đã thi công một số hạng mục...

2.jpg
Dự án công viên Chu Văn An. Ảnh: Hạ Vũ

Những công viên được đầu tư xây dựng gồm: Công viên Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Trì, quy mô 50,93ha, do UBND huyện Thanh Trì đầu tư thực hiện; Công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha, do Cty CP đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng thực hiện, Công ty TNHH Phát triển công viên Trung tâm là doanh nghiệp dự án; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha, do Công ty TNHH VNT thực hiện;

Công viên văn hóa Kim Quy, diện tích khoảng 101,09ha, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời; Công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha, do Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện; Công viên văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha do UBND quận Hà Đông thực hiện.

Về triển khai thực hiện, đối với các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, UBND TP. Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và chỉ đạo các Sở, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Đối với hai dự án đầu tư công là công viên Chu Văn An, TP yêu cầu UBND huyện Thanh Trì hoàn thành thủ tục đầu tư thi công, hoàn thành công trình phục vụ Nhân dân. Về dự án công viên Văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP, UBND quận đã chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, làm rõ nội dung công viên chuyên đề đối với diện tích 50,2ha đã giải phóng mặt bằng để tham mưu báo cáo việc lập đề xuất dự án đầu tư công viên, vườn hoa phục vụ cộng đồng bằng nguồn vốn đầu tư công.

Ngoài các công viên trên, TP sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hoặc căn cứ tình hình kinh tế - xã hội để đề xuất đầu tư công các công viên, vườn hoa thuộc danh mục xây dựng đợt đầu theo quy hoạch cây xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sắp đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông, công viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO