Hà Nội: Cắt giảm thủ tục cấp "sổ đỏ" đến mức tối đa

07/10/2015 00:00

(TN&MT) - Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 6/10, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó GĐ Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội đang giảm tối đa thủ tục hành chính cấp “sổ đỏ”.

Theo ông Nghĩa, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã thực hiện mọi biện pháp, tuyên truyền công khai quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cắt giảm thủ tục đến mức tối đa. Hiện chỉ còn 3-4 thủ tục. Đó là, hợp đồng mua nhà, thanh lý hợp đồng mua nhà hoặc hóa đơn đỏ thể hiện đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính; biên bản bàn giao nhà. Và tùy từng dự án thì có thêm sơ đồ thửa đất thể hiện diện tích, kích thước.

Ông Nghĩa khẳng định: “Về mặt thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực hết mình. Đến nay chưa có hồ sơ nào để quá 20 ngày. Còn việc người dân kêu ca về dịch vụ công, thời gian...thì đó là những vụ rất cá biệt với nhiều lý do khác nhau”.

Việc cấp “sổ đỏ” tại dự án Đại Thanh cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo báo chí. Ông Nghĩa cho biết nguồn gốc đất trước đây của dự án Đại Thanh là của Xí nghiệp gạch Đại Thanh, sau đó được UBND TP giao và cho phép Xí nghiệp này chuyển mục đích sử dụng đất. Sau đó, đơn vị này liên danh với một đơn vị có tên là Công ty Hải Phát. Sau một thời gian, Xí nghiệp Đại Thanh rút vốn, chỉ còn mình Công ty Hải Phát.

Khi thẩm định nhu cầu sử dụng đất, đã lập quy hoạch chi tiết được phê duyệt, có quy chế quản lý đô thị… nhưng Hải Phát không tiếp tục thực hiện dự án mà chuyển nhượng cho Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên (Xí nghiệp Điện Biên).

Hà Nội đang giảm tối đa thủ tục hành chính cấp “sổ đỏ”.

Khi triển khai dự án, Xí nghiệp Điện Biên có vướng một số sai phạm. Dự án này cũng đã có nhiều cơ quan thanh tra vào cuộc. Hiện Thanh tra Chính phủ vẫn đang trong quá trình thanh tra.

 “Dự án Đại Thanh xây vượt tầng thì Sở TN&MT có biết, UBND TP Hà Nội có biết và đã có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra. Sở TN&MT cũng đã có thanh tra và kết luận, thanh tra thành phố cũng đã có kiểm tra xem xét và đã có báo cáo. Dựa trên căn cứ này chúng tôi thực hiện cấp GCN, kết hợp với chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 327”, ông Nghĩa thông tin.

Lý giải về việc dự án Đại Thanh vi phạm nhưng vẫn được cấp GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, ông Nghĩa cho biết, việc cấp GCN là để đảm bảo quyền lợi của người dân mua nhà tại dự án. Tháng 8/2013, sau khi có có thông báo của Thủ tướng thì việc cấp GCN cho người mua nhà được tháo gỡ. Theo đó, sai phạm của chủ đầu tư được đặt sang một bên để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, còn người dân được đặt sang một bên, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn nhà nước cùng chủ đầu tư đảm bảo quyền lợi của người dân khi đã hoàn tất nghĩa vụ. Từ đó, Sở TN&MT đã tiến hành cấp GCN cho người mua nhà đối với các dự án, trong đó có dự án Đại Thanh.

Hiện Xí nghiệp Điện Biên đang làm thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất, điều đó có nghĩa là công nhận hợp đồng mua bán với các hộ dân mà không bị vô hiệu. Cùng với đó, chủ dự án Đại Thanh đã thực hiện xong nghĩa vụ tiền thuê đất (27 tỷ đồng) và hơn 500 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Còn lại số liệu chính thức là bao nhiêu thì chờ vào kết luận của Thanh tra Chính phủ đang thanh tra.

Ông Nghĩa cũng khẳng định, chưa bao giờ Sở TN&MT dừng việc cấp GCN đối với tất cả các dự án, kể cả dự án Đại Thanh, do đó người dân không nên lo lắng bởi không có chuyện dừng cấp GCN.

Liên quan đến tòa nhà cao vượt phép 8B Lê Trực (quận Ba Đình), ông Nguyễn Văn Phong - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Công ty Cổ phần may Lê Trực đã có văn bản gửi Thủ tướng và TP Hà Nội với nội dung xin tự khắc phục sai phạm.

Sau khi dư luận phản ánh tòa nhà 8B Lê Trực được xây dựng quá cao, không phù hợp với cảnh quan khu vực Ba Đình, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Hà Nội báo cáo làm rõ những vấn đề liên quan.

Sau thời gian xem xét, UBND TP Hà Nội cho biết, bước đầu đã xác định chủ đầu tư trong quá trình triển khai Dự án đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).

Về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Hiện chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng). Về diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.

Thành phố Hà Nội cho rằng, những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... so với giấy phép xây dựng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực.

Sau khi báo cáo Thủ tướng, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các phần công trình vi phạm, đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng được cấp.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cắt giảm thủ tục cấp "sổ đỏ" đến mức tối đa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO