Đầu tư - Tài chính

Hà Nam luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản

Theo Chinhphu.vn 15/12/2023 - 18:09

Dành riêng một khu công nghiệp cho nhà đầu tư Nhật Bản với hạ tầng đồng bộ, bảo đảm chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp của đất nước “xứ sở Mặt trời mọc” quyết định đầu tư vào tỉnh và mở rộng hợp tác với các địa phương Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.

Hà Nam luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản- Ảnh 1.

Hà Nam coi hợp tác đầu tư với Nhật Bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng để huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh - Ảnh: VGP/KL

Trước thềm chuyến thăm, tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bảncủa Thủ tướng Phạm Minh Chính (từ ngày 15-18/12), Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam để hiểu rõ hơn về những hợp tác, tiềm năng thu hút đầu tư giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương, doanh nghiệp của Nhật Bản.

Chăm sóc tới 'chân hàng rào' để 'hút' đầu tư

Với môi trường đầu tư "thông thoáng - hấp dẫn - an toàn - thân thiện", Hà Nam được biết đến là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn của Việt Nam; thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Xin ông chia sẻ về tình hình hợp tác, thu hút đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh thời gian qua! Các lĩnh vực Nhật Bản tập trung đầu tư tại tỉnh Hà Nam là gì, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng: Những năm qua, Hà Nam luôn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức của nước ngoài, cũng như thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp của Nhật Bản. Hà Nam coi hợp tác đầu tư với Nhật Bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng để huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hà Nam hiện có khoảng 120 doanh nghiệp đến từ 27 tỉnh, thành phố của Nhật Bản đang đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, như: Công ty TNHH Honda Việt Nam, Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH YKK Việt Nam chi nhánh Hà Nam... Hiện Nhật Bản là quốc gia có số lượng nhà đầu tư đứng thứ hai tại tỉnh. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất cơ khí, thiết bị điện tử, xe máy, các sản phẩm phụ trợ cho các ngành công nghiệp, y tế, nông nghiệp công nghệ cao...

Hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, chế biến theo định hướng của tỉnh; giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách, tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh.

Thưa ông, tỉnh Hà Nam đã có những cơ chế, chính sách như thế nào để thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản? Hay nói cách khác, Hà Nam có những lợi thế gì để có thể mời gọi được nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu tư?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng: Thứ nhất, Hà Nam xác định, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, việc xây dựng, phát triển đồng bộ các khu, cụm công nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đến nay tỉnh đã có 8 khu công nghiệp được triển khai đầu tư, tỉ lệ lấp đầy bình quân đạt 85,7%; bổ sung quy hoạch 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 940 ha. Một số cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, cơ bản lấp đầy 100%; 6 cụm công nghiệp thành lập mới đang hoàn thiện hồ sơ đầu tư hạ tầng.

Đặc biệt, tỉnh đã dành riêng một khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản với hạ tầng đồng bộ, bảo đảm chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp.

Thứ hai, Hà Nam thành lập Japan Desk, văn phòng hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại tỉnh; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với các nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh.

Thứ ba, thực hiện nhất quán các cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, như: Bảo đảm hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ cung cấp và tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu tới "chân hàng rào" doanh nghiệp, bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự… để doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, chúng tôi hiểu rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản luôn quan tâm tới vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Vì vậy, trong thời gian qua, Hà Nam đã tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Đặc biệt tỉnh đã mời các chuyên gia là giám đốc các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia hội đồng tư vấn trong công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Đây cũng chính là nguồn lao động cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tăng cường quan hệ hữu nghị với các địa phương của Nhật Bản

Bên cạnh hợp tác về kinh tế, việc phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hà Nam với các địa phương của Nhật Bản thời gian qua rất tốt đẹp. Ông có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ hợp tác này?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng: Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Trên nền tảng lợi ích chung vững chắc giữa hai quốc gia, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với các địa phương Việt Nam ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Những năm qua, Hà Nam đã duy trì, tăng cường quan hệ hữu nghị với các địa phương của Nhật Bản, như tỉnh Kanagawa, tỉnh Hyogo, thành phố Kobe... và tiếp tục kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương khác, như tỉnh Gunma, tỉnh Shiga, thành phố Hokuto…

Hà Nam đã duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư, thăm và làm việc với các địa phương của Nhật Bản, cũng như đón các đoàn chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản tới thăm, làm việc, khảo sát môi trường đầu tư tại tỉnh.

Hà Nam xác định hợp tác với các địa phương của Nhật Bản là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Việc hợp tác giữa Hà Nam với các địa phương Nhật Bản không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, như văn hóa, thể thao, du lịch. Năm 2023, tỉnh đã tổ chức và tham gia rất nhiều sự kiện thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, như tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2023, Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam-Nhật Bản, chương trình giao lưu bóng đá giữa đội tuyển bóng đá nữ thành phố Kobe và Hyogo với đội bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam; tham dự Lễ hội Việt Nam tại tỉnh Kanagawa; tham dự Hội nghị gặp gỡ Nhật Bản 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức, các sự kiện do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức… Đây đều là các hoạt động thể hiện quan hệ hợp tác tốt đẹp và bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, giữa tỉnh Hà Nam và các địa phương, đối tác của Nhật Bản nói riêng.

Ông kỳ vọng như thế nào về tiềm năng hợp tác với Nhật Bản trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng: Tôi cho rằng, tỉnh Hà Nam và các đối tác Nhật Bản vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác.

Thứ nhất, tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực Hà Nam đang ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, như công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế....

Thứ hai, trên lĩnh vực lao động, Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn và chủ lực của Việt Nam. Với nguồn lao động dồi dào, có chất lượng, Hà Nam mong muốn thời gian tới thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức của Nhật Bản để đưa người lao động của tỉnh sang làm việc, học tập tại Nhật Bản, nhất trên lĩnh vực y tế, điều dưỡng. Đặc biệt trong tháng 10 vừa qua Hà Nam đã đón tiếp và làm việc với Thống đốc tỉnh Gunma, Nhật Bản và đoàn doanh nghiệp. Đây là địa phương hiện có 12.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh. Vì vậy tôi tin tưởng rằng hợp tác trên lĩnh vực lao động giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Gunma và các địa phương khác của Nhật Bản là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng.

Thứ ba, Hà Nam hiện đang tập trung phát triển du lịch, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Với những tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, Hà Nam đã và đang được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt Khu du lịch Tam Chúc, nơi tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2023 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam-Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Thời gian tới, Hà Nam mong muốn thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, sự kiện, tổ chức các hoạt động xúc tiến, khảo sát thị trường du lịch với các đối tác, địa phương của Nhật Bản để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ Nhật Bản đến với Hà Nam.

Mở ra triển vọng hợp tác mới với các địa phương của Nhật Bản

Theo ông, chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Nhật Bản lần này sẽ mang lại những kết quả như thế nào cho hai nước nói chung, cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư giữa Nhật Bản và tỉnh Hà Nam nói riêng?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng: Tôi cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Nhật Bản lần này sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp và địa phương hai nước; góp phần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thiết yếu, phù hợp với nhu cầu và khả năng của hai bên.

Đối với các địa phương Việt Nam, chuyến thăm lần này tiếp tục mở ra những cơ hội hợp tác mạnh mẽ; góp phần nâng tầm và thúc đẩy các mặt quan hệ hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp của Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi, tận dụng những thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm của nước bạn để phát huy những lợi thế của mình.

Về phía Hà Nam, đây là dịp để tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp của Nhật Bản nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kêu gọi, thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Nhật Bản sang nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư; đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác sẵn có và tiếp tục mở ra các triển vọng hợp tác mới với các địa phương của Nhật Bản.

Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và Thống đốc tỉnh Gunma cũng sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai địa phương trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, du lịch, đào tạo nhân lực… Bên cạnh đó, trong dịp này cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với một số hiệp hội, doanh nghiệp của Nhật Bản về việc hỗ trợ và phát triển, mở rộng dự án tại tỉnh.

Đây không chỉ là hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, mà còn thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy, bền vững, đồng hành cùng phát triển giữa địa phương của hai nước, được Chính phủ của hai quốc gia ủng hộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO