Hà Giang: Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước đến năm 2030

30/08/2017 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh Hà Giang vừa ban hành Quyết định số 1534/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Bảo vệ 09 khu vực miền cấp nước dưới đất với diện tích 857,5km2

Mục tiêu của quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng phát triển bền vững. Bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng của nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nhằm đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó hướng đến các mục tiêu cụ thể về bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng ngừa suy thoái cạn kiệt nguồn nước dưới đất, bảo vệ chất lượng nước mặt, bảo vệ chất lượng các tầng chứa nước, bảo vệ nguồn nước cần bảo tồn, mạng giám sát chất lượng nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Theo quy hoạch, sẽ tiến hành khoanh định hành lang bảo vệ và vận hành đúng quy trình 45 hồ chứa, 11 hồ đập thủy điện hiện có trên địa bàn tỉnh để bảo vệ chức năng của các hồ, đập đang cấp nước đa mục tiêu. Tiến hành tu bổ, sửa chữa 13 hồ thủy lợi đang bị hư hỏng trên địa bàn tỉnh. Khoanh định hành lang bảo vệ và vận hành đúng quy trình 03 hồ chứa mới theo quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang. Đến năm 2030 tiếp tục duy trì bảo vệ các công trình hồ, đập sẵn có trên địa bàn tỉnh, tiến hành tu bổ, sửa chữa 05 hồ chứa thủy lợi.

Đối với việc bảo vệ miền cấp nước dưới đất: đến năm 2025 bảo vệ 09 khu vực miền cấp cho nước dưới đất với diện tích 857,5km2. Đến năm 2030 đảm bảo duy trì 09 khu vực miền cấp nước dưới đất và bảo vệ các khu vực còn lại.

Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2025 đảm bảo mực nước dưới đất không vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đến chiều sâu mực nước so với mặt đất tại thành phố Hà Giang 34,6m, tại thị trấn Đồng Văn 38,26m; Đến năm 2030 kiểm soát tình trạng khai thác nước dưới đất tại khu vực bổ sung công trình khai thác nước lớn.

Bà con đồng bao dân tộc tỉnh Hà Giang  vui mừng khi được dùng nguồn nước hợp vệ sinh
Bà con đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang vui mừng khi được dùng nguồn nước hợp vệ sinh

Riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nước mặt, đến năm 2025 đảm bảo xử lý 80% tổng lượng nước thải (74,56 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông suối. Đến năm 2030 đảm bảo xử lý 90% tổng lượng nước thải (75,78 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông, suối.

Điểm đáng lưu ý, trong quy hoạch này có tính đến việc bảo vệ nguồn nước cần bảo tồn, cụ thể là: đến năm 2025 kiểm soát các hoạt động làm suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, khoanh định và cắm mốc phạm vi bảo vệ 14 nguồn nước cần bảo tồn liên quan đến tôn giáo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Dự kiến, từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng 22 điểm quan trắc giám sát chất lượng nước mặt và 10 điểm quan trắc nước dưới đất.

Tổng thể các giải pháp cơ bản bảo vệ tài nguyên nước bền vững

Quy hoạch cũng nêu ra các giải pháp cơ bản để thực hiện công tác quy hoạch bao gồm: 

Giải pháp về quản lý nhà nước: Ban hành các quy định phục vụ công tác quan lý tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước, phù hợp với đặc điểm tài nguyên nước và công tác quản lý nhà nước của tỉnh; tăng cường hợp tác chia sẻ và bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới và nguồn nước liên tỉnh; Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tài nguyên nước;  công khai các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm và các nguồn nước bị ô nhiễm cho nhân dân biết và phát huy sức mạnh cộng đồng trogn theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ nguồn nước.

Giải pháp về công nghệ, kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi tài nguyên nước: Xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp Bình Vàng, cụm công nghiệp Nam Quang; xây dựng trạm xử lý nước thải tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; xây dựng, xử lý nước thải, rác thải thành phố và các thị trấn trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mạng quan trắc, giám sát khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Xây dựng hành lang bảo vệ tài nguyên nước và thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tỉnh Hà Giang; Xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, hạn chế khai thác và các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đât; Điều tra, đánh giá thực trạng trữ lượng nguồn tài nguyên nước các giếng khoan phục vụ cho việc lập dự án khai thác, sử dụng nước giếng khoan trên địa bàn tỉnh;…

Giải pháp phi công trình: Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm tăng tác dụng phòng hộ và khả năng cung cấp nước cho các sông suối; hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng theo các chương trình của Chính phủ, của tỉnh Hà Giang; Quản lý cấp phép khoan giếng, khai thác nước các giếng đúng quy định; triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi để xử lý chất thải; triển khai tuyên truyền cho nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, xử lý bao bì sau khi sử dụng tránh làm gây ô nhiễm nguồn nước mặt;…

Quy hoạch cũng đưa ra 7 danh mục các nhiệm vụ, dự án tài nguyên nước thực hiện đến năm 2025 và 02 nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2025-2030 với tổng kinh phí dự kiến là 75,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa được huy động dưới nhiều hình thức khác nhau.

UBND tỉnh Hà Giang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, chủ trì và phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thành phố phổ biến nội dung Quy hoạch này đến các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan.

Thanh Tâm – Phương Trang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO