Phát triển bền vững

Hà Giang: Nỗ lực đưa nước sạch về cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thủy Nguyễn 10:14 25/05/2023

(TN&MT) - Giải quyết nước sinh hoạt cho vùng miền núi nói chung, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Trong nỗ lực “xóa khát” đó, có dấu ấn rất lớn của ngành TN&MT thông qua việc thực hiện thành công nhiều dự án tìm kiếm nguồn nước ở trên núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải “cơn khát” nhiều đời cho đồng bào nơi đây.

Hành trình đưa nước về cao nguyên đá

Nước là nhu cầu tất yếu của cuộc sống nhưng nước sạch lại là yếu tốt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện đời sống hàng ngày của mỗi con người, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở vùng sau vùng xa khi mà tình trạng phá rừng có chiều hướng gia tăng khiến các con suối cạn kiệt ngay cả trong mùa mưa thì nguy cơ thiếu nước sạch sử dụng ngày càng hiện hữu rõ nhất.

Điển hình, tại bốn huyện vùng cao núi đá nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh, là khu vực xưa nay nổi tiếng là “miền đất khát” của cả nước. Diện tích toàn vùng là 2.352,7 km2, dân số trên 20 vạn người chiếm xấp xỉ 34,3% dân số toàn tỉnh. Toàn khu vực có 68 xã và thị trấn là các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh và của cả nước.

1916_5c0767a288878588db3e3ed5b62d13bf.jpg
Bốn huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang nổi tiếng là miền đất khát của cả nước

Do đặc điểm địa hình là triền núi dốc, lộ đá khối, đá tai mèo, nhiều thung lũng sâu dạng khép kín, đáy thường là hố sụt, phễu trũng. Hiện tượng nứt nẻ, hang động phát triển mạnh, đứt gẫy kiến tạo xuất hiện cũng khá dầy hình thành hệ kinh và vĩ tuyến kéo dài và ăn sâu vào vỏ trái đất. Đó cũng là lý do không tồn tại mạng sông suối trên mặt (thủy văn) và nước ngầm vừa nghèo lại vừa nằm rất sâu. Mặc dù lượng mưa không phải nhỏ, trung bình năm 1770mm, lượng bốc hơi trung bình năm 700mm (trạm Phố Bảng), nhưng đây vẫn là khu vực thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là về mùa khô.

Biết và thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước của người dân vùng núi đá Hà Giang, Nhà nước đã từng đầu tư nghiên cứu để phát triển nhiều giải pháp cấp nước khác nhau như: Hồ treo, bơm nước truyền thống từ các sông suối, thu gom nước từ các mó nước trữ vào bể để phân phối cho các hộ gia đình, thu trữ nước mưa quy mô hộ gia đình… Tuy nhiên, các giải pháp này đều bộc lộ những hạn chế nhất định.

2155_treemguinuoc.jpg
Bà con phải đi bộ xa để lấy từng gùi nước về phục vụ sinh hoạt 

Trước thực tế đó, việc tìm kiếm nguồn nước ổn định, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất lâu dài cho đồng bào vùng cao luôn là điều “trăn trở” đối với chính quyền tỉnh Hà Giang. Cách đây hơn chục năm, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) đã điều tra, đánh giá về nguồn nước dưới đất; khoan khảo sát, đánh giá 83 mũi khoan ở 16 khu vực và đã xác định tổng trữ lượng nước 1.600 m3/ngày. Nhưng thời điểm đó chưa có giếng khoan nào được khai thác và đưa vào sử dụng. Mãi đến năm 2008, trên cơ sở những dữ liệu sẵn có, tỉnh Hà Giang phối hợp Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã điều tra, đánh giá lại hiện trạng gần 40 giếng khoan ở bốn huyện vùng núi cao đó và xác định có 14 giếng khoan đạt yêu cầu có thể khai thác sử dụng.

Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, huy động ngân sách địa phương, năm 2013 tỉnh đã xây dựng trạm khai dẫn, xử lý nước ngầm tại hai giếng khoan ở thị trấn Đồng Văn, với công suất khai thác đạt 300 m3/ngày đêm.

Năm 2014, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng khai thác, đã đáp ứng phần nào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Từ hiệu quả của mô hình khai dẫn và cấp nước sạch ở thị trấn Đồng Văn, tỉnh tiếp tục đầu tư trạm khai dẫn hai giếng khoan tại thị trấn Mèo Vạc, đã hoàn thành và bàn giao cho huyện quản lý cuối năm 2015, với công suất 500 m3/ngày đêm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực.

Niềm vui lớn nhất, là các công trình này không chỉ giúp ổn định cả về trữ lượng và chất lượng nước, mà còn từng bước thay thế nguồn nước mặt không ổn định, chưa qua xử lý như trước đây, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa khô, đặc biệt góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, ổn định dân cư, giữ vững an ninh biên giới của tổ quốc và đóng góp vào hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của quốc gia.

Nỗ lực “xóa khát”

Thực tiễn, các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước chủ yếu là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn và yếu kém. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các vùng này đã được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án với quyết tâm cao.

Dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được đánh giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giải quyết lâu dài tình trạng thiếu nước sạch cho đồng bào dân tộc. Dự án thuộc Chương trình Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, giai đoạn 1 được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) cùng sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất.

khai_mo_nguon_nuoc_sach_cho_dong_bao_dan_toc_thieu_so_08282218052022.jpg
Tìm được nguồn nước ngầm có chất lượng và trữ lượng lớn trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)

Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia – Đơn vị chủ trì thực hiện, giai đoạn 1, Dự án đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước chủ yếu là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn và yếu kém.

Đặc biệt, dự án hoàn thành thi công giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng là 307,27 tỷ đồng và lưu lượng khai thác mỗi ngày là 117.000 m3/ngày. Theo đó, chi phí giá thành đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước trung bình cho 1m3 nước là 720 đồng. Việc đầu tư cho công tác tìm kiếm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sạch đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, trên 1,4 triệu người dân tại 197 vùng núi cao thuộc 37 tỉnh sẽ được hưởng lợi ích to lớn do dự án đem lại, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Bài liên quan
  • Mường Tè (Lai Châu): Giải pháp đưa nước sạch về với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Mường Tè là một trong những huyện vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở Lai Châu. Trước đây, người dân luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 30a, 135, nông thôn mới… của Nhà nước, đồng bào DTTS đã có nước sạch, hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt mỗi ngày. An ninh nguồn nước được đảm bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO