Dân tộc thiểu số

Hà Giang: Nâng cao nhận thức về môi trường vùng đồng bào dân tộc

Phạm Văn Phú 20:05 04/12/2023

(TN&MT) - Hiện nay, tại một số vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn Hà Giang vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số vùng nông thôn miền núi mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do ý thức, truyền thống và tập quán lạc hậu do chính người dân gây ra.

Thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn vùng đồng bào dân tộc

Trên địa bàn một số vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc của Hà Giang, do điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn và người dân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường, người dân thường hành động tuỳ tiện theo thói quen, theo phong tục. Đó là chăn nuôi gia súc theo cách thả rông, khiến cho chất thải của gia súc vương vãi xung quanh nhà ở và đường đi, khi gặp nắng thì bốc mùi, gặp mưa thì bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, tạo môi trường cho dịch bệnh phát triển. Thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn khiến môi trường sống của các hộ dân bị ô nhiễm nặng nề.

Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn nói chung và ô nhiễm nông thôn vùng đồng bào dân tộc nói riêng còn do người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hoá chất bảo vê thực vật trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại...). Một điều dễ nhận thấy là sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm và đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; bao bì, chai lọ chứa hoá chất độc hại bị vứt bỏ quanh nhà, quanh mương máng hoặc trên nương rẫy... Điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, dẫn đến phát sinh các loại bệnh tật mà người dân không thể nhận thức ra ngay được.

vo-chai-lo-chua-thuoc-tru-sau-doc-hai-do-nguoi-dan-vut-bo-tren-nuong-ray-la-nguyen-nhan-gay-o-nhiem-nguon-nuoc-sinh-hoat.jpg
Vỏ chai, lọ chứa thuốc trừ sâu độc hại do người dân vứt bỏ trên nương rẫy là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc, các loại rác thải chưa được thu gom đúng cách và bị thải bỏ bừa bãi ra môi trường xung quanh cộng với phân gia súc, gia cầm vương vãi càng làm cho môi trường sống thêm ô nhiễm nặng.

Hơn nữa, trong quá trình làm nông nghiệp, người dân phải tiếp xúc trực tiếp với phân gia súc, gia cầm. Nếu không có biện pháp nuôi nhốt, thu gom và xử lý các nguồn phân gia súc, gia cầm hợp lý và khoa học thì vấn đề ô nhiễm môi tường ở các vùng nông thôn miền núi hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nâng cao ý thức của người dân vùng đồng bào dân tộc về môi trường

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống tại một số vùng đồng bào dân tộc một phần là do phong tục, tập quán và thói quen lạc hậu của người dân đã trực tiếp gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp gây phát sinh và làm gia tăng bệnh tật tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như các bệnh về đường ruột, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp...

Trong khi đó, tỉnh Hà Giang còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vùng đồng bào dân tộc bằng các biện pháp thu gom và xử lý rác thải theo phương pháp tiên tiến thì biện pháp cấp bách trước mắt là phải nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân vùng đồng bào dân tộc.

mot-so-vung-dong-bao-dan-toc-cua-ha-giang-do-co-so-ha-tang-thap-kem-tac-dong-khong-tot-den-moi-truong-song.jpg
Cơ sở hạ tầng tại một số vùng đồng bào dân tộc của Hà Giang còn chưa phát triển

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng tại các huyện vùng cao của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Thậm chí đã phải áp dụng biện pháp mạnh như phạt tiền, phạt lao động công ích... đối với những cá nhân và gia đình tái vi phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn như chăn nuôi gia súc thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, đổ thuốc bảo vệ thực vật thừa xuống nguồn nước, vứt rác thải bừa bãi ra môi trường…

Từ đó người dân đã có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không thả rông gia súc. Từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng, các huyện vùng núi đã từng bước cải thiện môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn miền núi của tỉnh về trước mắt cũng như lâu dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO