Hà Giang: Gắn kết quản lý hiệu quả tài nguyên nước với giảm nghèo bền vững

Thủy Nguyễn| 17/02/2023 11:37

(TN&MT) - Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang bên cạnh việc tạo điều kiện về vốn vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế, tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân địa phương tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, an toàn phục vụ cho sản xuất.

Nguồn nước dồi dào nhưng "thiếu" nước sạch

Hà Giang nằm trong vùng thượng du của 3 lưu vực sông (sông Lô, sông Gâm, sông Chảy) và có nhiều nhánh sông chảy qua, như: Sông Miện, Ngòi Sảo, sông Con, Nho Quế… cùng hệ thống suối, hồ, đập tương đối dày; cung cấp lượng nước dồi dào phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước, tổng lượng tài nguyên nước mặt trên các sông, suối của tỉnh Hà Giang khá dồi dào, đạt 8,27 tỷ m3/năm. Riêng tiềm năng tài nguyên nước từ mưa trung bình khoảng 17.741 triệu m3/năm, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất đạt trên 1,7 tỷ m3/ngày. 

images1423286_2._long_ho_thuy_dien__ktien_.jpg
Hà Giang được đánh giá có nguồn tài nguyên nước dồi dào, nằm trong vùng thượng du của 3 lưu vực sông và có nhiều nhánh sông chảy qua

Tuy nhiên, dù được đánh giá có nguồn tài nguyên nước lớn nhưng  việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn hạn chế, tồn tại. Đơn cử như, nguồn tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phân bố không đồng đều dẫn đến việc khai thác, quản lý gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh, tình hình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất diễn ra nghiêm trọng. Tranh chấp về mục tiêu sử dụng các nguồn nước đã bắt đầu nảy sinh tại một số nơi trong tỉnh.

Đặc biệt, những năm gần đây, sự gia tăng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước, làm thay đổi chế độ thủy văn, lượng mưa các mùa. Lượng mưa vào mùa khô giảm gây ra những xung đột về nguồn nước tưới và sinh hoạt.

Mặt khác, lượng mưa gia tăng vào mùa mưa gây ra lũ quét, sạt lở, thiệt hại lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Ở khu vực núi đá cao, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh kết hợp với chế độ nhiệt ẩm biến động phức tạp, tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn.

Tập trung quản lý bền vững nguồn nước

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước được các cấp, ngành của tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. 

UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng bền vững. Bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng của nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt với các mục tiêu cụ thể, như: Bảo vệ nguồn sinh thủy (rừng, hồ đập, miền cấp nước dưới đất); phòng ngừa suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất; bảo vệ chất lượng nước mặt và các tầng chứa nước.

Đồng thời, xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng nước, xả nước thải vào nguồn nước; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Hà Giang xây dựng 22 điểm quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và 10 điểm quan trắc nước dưới đất. Trên cơ sở đó, góp phần đảm bảo an ninh về tài nguyên nước; thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo.

thuy-dien-nho-que-1.jpg
Công trình thủy điện Nho Quế với hệ thống tưới tiêu và điều phối lượng nước được kiểm soát hợp lý  giúp đảm bảo an toàn và an sinh xã hội, giúp nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện đời sống của bà con nhân dân.

Hàng năm, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh, trường học… trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có những hoạt động thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) như: Lồng ghép bảo vệ tài nguyên nước với các nội dung thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; khơi thông cống rãnh, tu sửa, nạo vét kênh mương, ao hồ, công trình thủy lợi, hệ thống thoát nước. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận nước sạch của các nhóm xã hội, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, những nơi vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh đó, để bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Hà Giang tăng cường thực hiện các dự án về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn.

Quan tâm đầu tư hạ tầng nước sạch vùng nông thôn

Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng biên giới, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung trên cơ sở khai thác nguồn nước từ các khe, mó ở hầu hết các xã từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

kyban-giao-tai-truongtruong-pho-thong-dan-toc-noi-tru-thcs-va-thpt-bac-me-huyen-bac-me.jpg
Hà Giang bước đầu đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống, sức khoẻ của người dân

Đặc biệt, sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ở Hà Giang đã đạt gần 86%. Từ đó, bước đầu Hà Giang đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống, sức khoẻ của người dân, đặc biệt là chuyển biến rõ trong nhận thức về sử dụng nước sạch, giữ gìn bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, thay đổi dần hành vi, tập quán sử dụng nước thiếu vệ sinh của người dân nông thôn.

Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều chương trình, dự án liên quan đến nước sạch của Trung ương, của tỉnh đang được đầu tư thực hiện với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng đã giúp cho Hà Giang cơ bản đạt tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo Nghị quyết đề ra. Cùng với đầu tư xây mới, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt.

trang-24_2.jpg
Sử dụng nước sạch góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng biên giới tỉnh Hà Giang

Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng nước sạch, tỉnh Hà Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước để triển khai các dự án nước sạch. Mục tiêu có 90% hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giai đoạn 2021 – 2025 góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đảm bảo an ninh về tài nguyên nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Gắn kết quản lý hiệu quả tài nguyên nước với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO