Hà Giang: Đồng hành cùng đồng bào DTTS trong đại dịch Covid-19

Ngọc Châu | 21/08/2021, 08:43

(TN&MT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Hà Giang gặp không ít những khó khăn, thách thức khi là tỉnh miền núi, biên giới, quy mô kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn thấp kém; trình độ dân trí còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh nông thôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

Hà Giang là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, chính vì vậy, tỉnh rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh Covid-19 tới vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS.

Thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, các trang thông tin điện tử, đồng bào DTTS được tiếp cận với các thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể, cử cán bộ xuống các thôn, bản, hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về mức độ nguy hiểm, cách nhận biết, cảnh báo đồng bào không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân nắm thông tin về dịch bệnh Covid-19

Để phòng, chống dịch bệnh cùng với việc triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu đi đầu của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, duy trì hoạt động các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các chốt chặn, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới; tăng cường quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, công tác kiểm tra y tế, cách ly y tế, truy vết, khoanh vùng… tuyệt đối không để lây lan chéo dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

Tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức phát động quyên góp cho Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay, số tiền đã quyên góp và đăng ký ủng hộ là 8,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/8, toàn tỉnh đã có 50.891 người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó có 10.533 người được tiêm đủ 2 mũi.

Mới đây, Sở Y tế Hà Giang đã khai trương hệ thống Telehealth trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19. Telehealth là nền tảng khám, chữa bệnh từ xa, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến. Thông qua kết nối trực tuyến tới các buồng bệnh, đội ngũ y, bác sĩ sẽ thuận lợi trong việc theo dõi các chỉ số sinh tồn, giảm thời gian đi lại, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, kết nối tới hội đồng chuyên môn đầu ngành nhằm giúp cho việc hỗ trợ và tham gia chẩn đoán những ca bệnh khó để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Đồng bào DTTS Hà Giang vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Chí Tâm

Song song với tinh thần phòng, chống dịch chủ động, linh hoạt, tỉnh Hà Giang xác định việc quan tâm, chăm lo đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng khó khăn là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Thời gian tới, để phục hồi kinh tế sau đại dịch, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ban hành một số Nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang...

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo kế hoạch đã đề ra; chỉ đạo ngành thuế, ngân hàng… triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp, lưu ý vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định.

Với cách làm thận trọng, chỉ đạo có tính chiến lược, phù hợp với tình hình của địa phương; đồng thời, với quyết tâm chính trị cao, phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, tin tưởng rằng Hà Giang sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu "Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước" mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bài liên quan
  • Sức sống mới trên khu vực “rốn lũ” ở huyện vùng cao Văn Chấn
    (TN&MT) - Sau 3 năm trở lại Bản Tủ xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái), nơi đây đã "thay da đổi thịt", khoác lên mình bộ áo mới của những ngôi nhà khang trang, đường bê tông trải dài dẫn vào bản hòa với màu xanh tươi mát của những đồi chè, ruộng lúa, nương ngô… Tất cả đều vẽ lên bức tranh ấm no, hạnh phúc của Bản Tủ sau cơn lũ lịch sử vào tháng 7/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO