Hà Giang: Chậm trễ điều tra vụ ong bị quẳng ra quốc lộ

09/11/2016 00:00

(TN&MT) - Bị bốc gần 200 đàn ong quẳng ra Quốc lộ 4c không thương tiếc, không có phương án bảo quản, bảo vệ và nghi ngờ có bàn tay can thiệp của lực lượng "bảo...

(TN&MT) - Bị bốc gần 200 đàn ong quẳng ra Quốc lộ 4c không thương tiếc, không có phương án bảo quản, bảo vệ và nghi ngờ có bàn tay can thiệp của lực lượng “bảo kê”, muốn đẩy đuổi doanh nghiệp ngoài tỉnh vào nuôi ong nên chủ nuôi ong kiên quyết không nhận lại. 
 
Diệt ong tới cùng
 
Gần đây nhiều hộ nuôi ong Ý sợ hãi khi thấy nhiều bịch bóng có chữ lạ, bột màu đỏ, mùi khó chịu xuất hiện tại trại ong của mình. Một hộ nuôi ong ở huyện Đồng Văn cho hay: Sáng ra chúng tôi thấy nhiều thuốc màu đỏ được đổ đầy cửa đàn ong, ong chết la liệt vương vãi khắp nơi, vỏ bao có chữ lạ (nghi là chữ Trung Quốc), chúng tôi cầm đi hỏi cửa hàng thú ý trong huyện và được biết, loại thuốc này chuyên diệt côn trùng và cấm sử dụng tại Việt Nam.
 
Theo quan sát của phóng viên, các  sau khi thùng ong bị vãi thuốc đỏ lạ kia ong chết đặc cứng trong thùng gỗ, vương vãi la liệt dưới nền đất và chỉ một thời gian ngắn ong sẽ bỏ đàn, khiến cho người nuôi ong thiệt hại vô cùng lớn. Họ báo cáo sự việc lên chính quyền, nhưng cơ quan chức năng không xuống hiện trường kiểm tra và xác định mức độ thiệt hại, làm rõ nguồn gốc thuốc lạ để có biện pháp đấu tranh, xử lý giúp chủ nuôi ong.
 
Không những không làm rõ vụ việc, tại nhiều địa phương ở huyện Đồng Văn, Quản Bạ… một số người tự xưng là cán bộ xã xuống tận nơi gây khó dễ cho các hộ nuôi ong. Họ mua chuộc hoặc gây sức ép với người dân địa phương hủy hợp đồng cho thuê mướn vườn, đất khiến chủ nuôi ong không còn nơi đặt đàn ong. Gây khó sức ép không được, chính quyền ngang nhiên huy động lực lượng mang cây ngô, lá cọ đến đốt trại ong của người dân.
 
Trại ong tan hoang sau khi bị đốt, đập phá
Trại ong tan hoang sau khi bị đốt, đập phá
Ông Lê Tiến Tuân, nạn nhân của việc đốt phá trại ong tại xã Thài Phìn Tủng cho biết: Ban đầu chúng tôi tưởng xã hội đen đến gây khó dễ, nhưng sau đó thấy sự xuất hiện của ông Sùng Mí Cận, Phó Chủ tịch xã Thài Phìn Tủng cũng hăng hái tham gia đập phá, đốt ong với hàng chục người lạ.
 
Qua xác minh thông tin, phóng viên còn có thêm nhiều bằng chứng chứng minh người dân không có ý định đuổi các chủ nuôi ong ra khỏi địa phương họ, mà có sức ép từ một thế lực ngầm (?). Ông Trá Xúa Ria, Trưởng thôn Thài Phìn Tủng, khẳng định với phóng viên: "Xã thuê xe chứ! Khi đập phá đốt các thùng ong ở đây, có mặt luôn cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã. Họ gây thiệt hại 50 - 60% cho các chủ ong, rồi mới thuê xe chở các thùng ong ra ngoài đường!”
 
Nghiệp vụ có yếu kém?
 
Sự việc gần 200 đàn ong bị quẳng ra Quốc lộ 4c, thuộc huyện Đồng Văn khiến dư luận bức xúc, chủ nuôi ong thiệt hại lớn. Nhưng tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vậy tại sao lực lượng chức năng lại vào cuộc chậm trễ đến như vậy, trong khi chủ xe, biển số xe đã được xác định rõ ràng ngay hôm đó, nhưng tới nay vẫn chưa tìm ra kẻ chủ mưu thuê xe, thuê người để bốc gần 200 đàn ong của người dân đặt ra Quốc lộ 4c gây thiệt hại kinh tế lớn.
 
Các đối tượng lạ quẳng ra quốc lộ gần 200 đàn ong
Các đối tượng lạ quẳng ra quốc lộ gần 200 đàn ong
 
Được biết, toàn bộ đàn ong trên xe tải được công an đưa về trụ sở làm vật chứng hiện không còn trên xe và họ di dời đi đâu thì chưa rõ? Theo ông Nguyễn Hồng Tinh, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn, vụ việc về cơ bản là đã ổn định, người nuôi ong cũng đã tự nguyện chuyển ong dọn đường, không để gây ách tắc nữa. Hiện chúng tôi đang tạm giữ một xe ô tô biển kiểm soát 23C - 02219 để xem xét và sẽ phạt hành chính vì hành vi làm ách tắc giao thông. Cùng với đó, dân bốc ong lên xe chở ra bờ đường đổ và chủ ong tự xếp ra giữa đường gây cản trở giao thông nên cũng cần phải xử lý.
 
Vậy là ai vãi thuốc diệt côn trùng, ai “hăng say” đốt phá trại ong của người dân? Cơ quan chức năng lẽ ra phải điều tra chỉ rõ đối tượng, xử lý nghiêm minh, mặc dù họ có trong tay tất cả các video “điểm mặt” về những kẻ phá hoại đó do người nuôi ong cung cấp.
 
Điều bất bình thường, cho dù người dân trong thôn không đồng ý cho chủ nuôi ong tại đây và họ tự ý bốc các đàn ong lên xe tải để mang ra ngoài quốc lộ để, trong khi chính quyền xã có mặt tại đó lại không lập biên bản, kiểm đếm tài sản và lên phương án bảo vệ tài sản cho dân. Đây là điều rất lạ. Đấy là chưa nói, trong thôn Thài Phìn Tủng này không có một hộ nào nuôi ong bản địa! Nghịch lý thay, chỉ sau vài ngày, đàn ong của ông Tuân bị “ép” di dời đi đã xuất hiện hơn 100 đàn ong khác sát vách vị trí đặt ong trước đây của ông Tuân.
 
Ông Lê Tiến Tuân chia sẻ: "Hàng trăm triệu đồng đầu tư nuôi ong của tôi, trong phút chốc bị mất trắng. Hàng chục đàn ong bị hun khói, đốt lửa sống dở, chết dở, rồi vứt ra rìa đường mà không cơ quan chức năng nào can thiệp, làm rõ, chúng tôi gửi đơn cầu cứu nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Để xác minh thêm thông tin, nhiều lần phóng viên đã gọi điện trực tiếp cho vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, phụ trách Nông Lâm nghiệp nhưng không thấy vị này bắt máy và hồi âm lại. Qua trao đổi, một vị lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hiện tại tỉnh đang vào cuộc chỉ đạo làm rõ thông tin báo chí nêu và sẽ có phản hồi thông tin sau.
 
Vậy đến bao giờ báo chí được biết kết quả xử lý vụ con ong, đến bao giờ người nuôi ong được bồi thường thiệt hại? Doanh nghiệp nào đứng đường sau thao túng thương hiệu mật ong bạc hà?
 
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
Doãn Xuân - Trường Giang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Chậm trễ điều tra vụ ong bị quẳng ra quốc lộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO