Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) là sinh hoạt chính trị sâu, rộng ở Thanh Hóa

Tuyết Trang (thực hiện)| 11/04/2023 09:13

(TN&MT) - Thanh Hóa xác định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa chính trị, xã hội rất lớn và là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong đời sống xã hội của tỉnh cũng như cả nước; phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai bảo đảm khoa học, đồng bộ, chất lượng, khả thi, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và tạo động lực phát triển đất nước.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để hiểu rõ hơn vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Lê Đức Giang:

Ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xây dựng và ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 22/01/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

3.1.jpg
ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện: Công văn số 1123/UBND-NN ngày 01/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Công văn số 1236/UBND-NN ngày 03/02/2023 Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức lất ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Công văn số 1774/UBND-NN ngày 16/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chuẩn bị các nội dung để tham dự buổi làm việc của Đoàn công tác theo dõi, đôn đốc, lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; đăng tải toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan lên Trang thông tin điện tử của Sở. Đồng thời, thành lập 4 tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương; đăng các tin, bài tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng về chính sách quản lý đất đai trên Cổng thông tin điện tử, trang web của đơn vị mình; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung lấy ý kiến, hình thức lấy ý kiến và thời gian lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để nhân dân biết và tham gia ý kiến.

Tính đến ngày 15/3/2023 (thời điểm hết hạn lấy ý kiến nhân dân theo Kế hoạch của Chính phủ), các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Kết quả, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 7.865 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tiếp xúc cử tri và đã nhận được 429.337 lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PV: Ông có thể thông tin về kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Ông Lê Đức Giang:

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến gửi đến, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhìn chung, việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian hoàn thành lấy ý kiến; các ý kiến đóng góp đã tập trung vào các vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật, phản ánh rõ tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013.

Ngày 19/3/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Báo cáo số 47/BC-UBND về Tổng hợp kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Báo cáo gồm 133 trang, thể hiện cụ thể về tình hình triển khai thực hiện; ý kiến về kỹ thuật lập pháp và tổng hợp 608 nhóm ý kiến góp ý cụ thể đối với nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

3.2.jpg
Một góc thành phố Sầm Sơn

Với sự quan tâm, tích cực nghiên cứu, tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tầng lớp nhân dân trong cả nước, hy vọng Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai hiện hành; đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng, chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

PV: Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề nào được người dân quan tâm, thưa ông?

Ông Lê Đức Giang:

Qua quá trình tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy: các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có sự quan tâm rất lớn đối với việc đóng góp ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi, tham gia đông đảo của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thực sự đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tỉnh.

Hầu hết các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều được quan tâm, góp ý; trong đó, những vấn đề của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan trực tiếp đến người dân được người dân quan tâm nhiều nhất, chẳng hạn như: Quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về các trường hợp Nhà đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; Quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế được các định hướng, chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Các nội dung quy định trong Dự thảo Luật đã cụ thể, chi tiết hơn so với Luật Đất đai hiện hành; đã sửa đổi những nội dung quy định còn bất cập trong Luật hiện hành; đồng thời, bổ sung những quy định mới mà Luật Đất đai hiện hành chưa có quy định, đảm bảo sự đầy đủ và hoàn chỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) là sinh hoạt chính trị sâu, rộng ở Thanh Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO