Gọi chim trời giữa đại ngàn Bạch Mã

19/10/2017 00:00

(TN&MT) - Từ khi còn nhỏ, người thanh niên ấy đã theo cha vào rừng săn thú, bẫy chim… Nhờ sự cảm hóa của rừng và sự khuyên bảo của các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), anh Trương Cảm đã trở thành cán bộ kiểm lâm 30 năm có lẻ để bảo vệ chính khu rừng mình từng chặt phá.

Từ lâm tặc thành…người bảo vệ rừng

Anh Trương Cảm quê ở làng Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn, 9 - 10 tuổi anh đã theo cha vào rừng chặt gỗ và săn thú trong rừng Bạch Mã. Khi 13 - 14 tuổi, anh đã tự săn thú mang vào thành phố để đổi lấy lương thực để sinh sống. “Hồi đó, chặt cây phải mất mấy ngày, trước khi chặt, bố tôi thường thắp hương dưới gốc và trồng cây mới gần đó, chứ không chặt ào ào, tận diệt như bây giờ” - anh Cảm kể.

Một buổi chiều cuối tháng 9/1985, đang lúc bán 2 con trĩ sao ở Nhà văn hóa Trung tâm Thừa Thiên - Huế, có hai thanh niên vào trả giá rất cao. Anh Cảm đồng ý mang chim ngồi trên xe mô tô theo các anh về nhà nhận tiền. Lúc đến, trước mắt là căn nhà to có nhiều người mặc áo xanh làm Cảm đâm nghi. Đến khi nhìn thấy hàng chữ “Chi cục Kiểm lâm”, Cảm mới biết rõ mình đã bị bắt.

Anh không ngờ đây là cuộc gặp định mệnh để cuộc đời anh rẽ sang hướng khác. Ở đây, anh đã gặp TS. Huỳnh Văn Kéo - Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã khuyên bảo, cảm hóa. Cơ duyên đã đến với anh vào năm 1988, Vườn Quốc gia Bạch Mã (khi đó là Rừng cấm Bạch Mã) cần tuyển một nhân viên nam hiểu các loài thú hoang dã để có thể chăm sóc, theo dõi nguồn gốc của các loài thú.

Anh Trương Cảm trổ tài gọi chim giữa đại ngàn
Anh Trương Cảm trổ tài gọi chim giữa đại ngàn

Ít ai biết rằng, những loài thú sau khi bị lâm tặc bắt không thể thả về rừng ngay được mà cần phải được chăm sóc, theo dõi để tìm ra cánh rừng chúng sống trước khi bị bắt đi, sau đó mới mang chúng trả về đúng cánh rừng. Anh đã quyết tâm xin vào làm công việc đó và chính thức trở thành một kiểm lâm viên thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Có lẽ, để chuộc lại những lỗi lầm của bản thân, khi có con trai anh đã đặt tên là Bảo Lâm. Theo anh Bảo Lâm có nghĩa là bảo vệ rừng.

Hiện tại, anh Trương Cảm đang công tác tại Tổ tuyên truyền bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã. Công việc chính của anh là tổ chức các buổi trò chuyện với các thôn, bản để tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng, để người dân khu vực vùng đệm hiểu và chấp hành. Theo anh Trương Cảm, hiện nay, tình hình phá rừng đã giảm rất nhiều so với trước đây. Nguyên nhân là do người dân khu vực vùng đệm đã và đang được Nhà nước triển khai quy định trả phí bảo vệ rừng, đồng thời, các tour du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Bạch Mã được mở ra, người dân cũng sẽ có nhiều việc làm nên cũng góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ổn định cuộc sống, tránh phá rừng và săn thú.

Nói chuyện với cả trăm loài chim trời

Dẫn tôi thăm Vườn Quốc gia Bạch Mã, trước lúc trổ tài “nói chuyện” với chim trời, anh đã giới thiệu hàng trăm cây rừng và cỏ dại mà theo anh là các dược thảo quý: Ngũ gia bì, nam trường sơn, thổ phục linh, thạch xương bồ, bướm bạch, bạch hoa thiết xà thân thảo… Mỗi cây chế ra được một loại thuốc, có công dụng riêng. Trương Cảm bấm ngón tay tính nhẩm, Bạch Mã có gần nghìn loài thực vật, trong đó trăm loài dùng trong y dược…

Bất chợt có tiếng chim từ xa vọng lại, anh đưa đôi bàn tay lên miệng, lòng bàn tay bắt khum vào nhau, hai ngón trỏ căng đôi gò má, cất tiếng gọi chim. Con chim ngừng bay, quay đầu hót đáp trả. Một lát sau, nhiều con đáp lại cùng anh như thi hót.

Anh cho biết, anh có thể nói chuyện với cả trăm loài chim, cả trống lẫn mái. Rồi anh thử cho chúng tôi một số loài như: Cu gáy, họa mi… Tiếng hót của mỗi loài cũng được anh đặt vào một hoàn cảnh nhất định như gọi bạn tình, thách đấu, lạc đường, tranh chấp lãnh thổ, lẻ loi, báo tin dữ lúc da diết, lúc hốt hoảng, lúc hừng hực... Sở dĩ anh “ trò chuyện” được như vậy là nhờ thuở nhỏ theo cha săn bắt chim thú, tập hót để dụ chim.

Cùng với đó, khi được biên chế vào ngành kiểm lâm anh tiếp tục theo học tại trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế. Năm 1993, khi đang là sinh viên năm 2, Nguyễn Cảm nhận được học bổng sang vùng Nor Pas De Pais (Pháp) để nghiên cứu về các loài chim. Tại đây, anh Cảm được giáo viên Pháp ngưỡng mộ đặc biệt về khả năng bắt chước tiếng chim. Đồng thời cũng tại đây, anh có điều kiện để hiểu được tập quán và sinh hoạt của nhiều loài chim, để bắt chước tiếng hót của chúng.

Với hy vọng con mình sẽ nối nghiệp cha, giờ đây con trai anh cũng đang theo học năm 2 tại trường Đại học Nông – Lâm Huế và anh Cảm vẫn ngày đêm gắn bó với rừng, với muôn loài chim thú…

Bài và ảnh: Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gọi chim trời giữa đại ngàn Bạch Mã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO