(TN&MT) - Trong giáo lý nhà Phật, môi trường được coi là một trong những yếu tố quan trọng để che chở, bao bọc cho sự sống con người. Với triết lý từ bi hỷ xả, Phật giáo mang đến thông điệp con người không nên gây tổn hại đến bất cứ điều gì, kể cả môi trường.
Để lan tỏa triết lý nhân sinh, vì con người, vì môi trường, chùa Long Hưng (Đông Anh, Hà Nội) đang triển khai Dự án “Vì tương lai xanh” từ tháng 7/2023. Dự án phát động phong trào đổi rác lấy sách. Trong đó, mọi người tham gia tự phân loại rác thải ở nhà và đem tới chùa để đổi lấy sách và những vật phẩm tái chế cần thiết.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi với Đại đức Thích Vạn Lợi - chùa Long Hưng (Đông Anh, Hà Nội) về góc nhìn của Phật giáo đến việc bảo vệ môi trường hiện nay.
PV: Thưa Đại đức, hiện nay trái đất đang nóng lên cùng với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến con người, đến môi trường. Đại đức nhìn nhận vấn đề này như thế nào dưới góc nhìn Phật giáo?
Đại đức Thích Vạn Lợi: Từ xưa đến nay, Phật giáo luôn được coi là một tôn giáo chú trọng đến việc phát triển đời sống tinh thần của nhân dân nhưng nói Phật giáo có liên quan đến môi trường thì hầu như đông đảo mọi người đều chưa nhận biết được rõ ràng. Thực ra, Phật giáo liên quan rất nhiều đến môi trường, bởi về lý sâu xa, đạo Phật là đạo của từ bi hỷ xả, của trí tuệ, khi con người nhìn nhận mọi sự việc, mọi vấn đề trong cuộc sống theo tính từ tâm, bác ái thì chúng ta sẽ không muốn gây tổn hại đến bất cứ điều gì, kể cả môi trường.
Những việc như chặt cây, đốt rừng, xẻ núi, tàn sát động vật đều gây tổn hại đến môi trường, gây ra những hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu,… ảnh hưởng đến chính sự sinh tồn và phát triển không chỉ của thiên nhiên, trái đất mà còn gắn liền với đời sống của mỗi chúng ta.
Khi chúng ta biết áp dụng đạo Phật để sống với tâm yêu thương rộng lớn đến muôn loài, sống với từ bi hỷ xả, yêu thương chính mình, yêu thương mọi người, yêu thương nhân loại, yêu thương môi trường sống, yêu thương trái đất,… thì tự tâm thức của chính chúng ta đã muốn bảo vệ, tạo dựng nên một cuộc sống tốt đẹp hơn.
PV: Theo Đại đức, quan điểm của Phật giáo trong bảo vệ môi trường sẽ tác động như thế nào đến con người?
Đại đức Thích Vạn Lợi: Trong Phật giáo có một quan điểm là đầu thai kiếp sau, chuyển kiếp luân hồi. Nếu chúng ta đầu thai kiếp sau đến trái đất này mà trái đất hiện nay lại do chính bản thân chúng ta đã phá hủy tan nát đi từ những kiếp sống trước thì chúng ta làm sao sống cho trọn vẹn được trong kiếp sau hay những kiếp sống sau nữa? Ví dụ như, bây giờ nếu chúng ta sống không biết bảo vệ môi trường thì việc con người bị ảnh hưởng từ những hành động xấu mình “gieo” ở hiện tại sẽ đến không sớm thì muộn; Không những thế, những nhân giống xấu trong việc tàn phá, hủy hoại môi trường sống sẽ còn tích lũy đến cả đời con cháu chúng ta.
Do vậy, việc bảo vệ môi trường cần xuất phát từ trái tim chân thật, sự hiểu biết chân thật để bản thân mỗi chúng ta khi làm công việc bảo vệ môi trường hay những việc công đức tốt đẹp khác đều có thể giúp cho mọi người sống có ích hơn.
Đức Phật dạy rằng, không được chặt cây cao quá đầu mình. Nếu như cần thiết lắm phải chặt cây cao thì 3 ngày liên tiếp hàng ngày phải lạy với cái cây đó và “Tôi xin lỗi, bởi chỗ này buộc phải xây căn nhà,… xin lỗi cây” rồi 3 ngày sau mới được chặt cái cây này.
PV: Chùa Hưng Long đã áp dụng giáo lý của Phật pháp trong bảo vệ môi trường như thế nào, thưa Đại đức?
Đại đức Thích Vạn Lợi: Việc bảo vệ môi trường tại chùa Long Hưng cũng áp dụng giáo lý của đạo Phật. Ngoài việc phân loại rác tại nguồn, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, trồng nhiều cây xanh thì chùa Long Hưng còn đang triển khai dự án “Vì tương lai xanh” để nâng cao nhận thức của phật tử về phân loại rác, thu gom, tái chế rác.
Ngày 23-24/9 vừa qua, Dự án được phổ biến rộng rãi đến đông đảo Phật tử, quần chúng trong chương trình Pháp thoại tại chùa để lan tỏa ý nghĩa của dự án này.
Trong các buổi Pháp thoại và các buổi giảng Pháp thường xuyên của chùa Long Hưng, Tổ đình Vĩnh Nghiêm, nhà chùa còn mời các vị Hòa thượng, Thượng tọa có kinh nghiệm thực chứng trong tu tập cũng như có sự hiểu biết rất sâu sắc về Phật giáo, về xã hội, về tâm lý, về giáo dục học và đạo đức học để giảng dạy, chia sẻ cho mọi người nên qua đó, hy vọng là mọi người được tiếp cận những năng lượng trong chính những điều hay lẽ phải….
Xin trân trọng cảm ơn thầy!
Kể từ ngày thành lập (tháng 7/2023) tới nay, dự án “Vì tương lai xanh” chùa Long Hưng đã thu gom được hơn 10.000 chai nhựa, và hơn 2 tấn giấy, bìa carton. Dự án còn cung cấp túi rác 3 màu cho người dân sử dụng và hướng dẫn người dân phân loại rác. Rác tái chế gồm chai nhựa, giấy bìa được làm sạch và đưa đến cơ sở tái chế. Đối với những rác thải nguy hại hoặc khó xử lý, Dự án sẽ hỗ trợ thu mua và đem đến những đơn vị, cơ sở xử lý rác thải công nghiệp.
Trong thời gian tới, Dự án sẽ xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động để liên kết từ nơi thu gom, phân loại, tập kết rác đến nơi xử lý rác.