Gỡ nút thắt trong tích tụ ruộng đất ở Quảng Ninh

Phạm Hoạch| 27/09/2022 12:23

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm việc quy hoạch, tích tụ đất đai với mục tiêu quản lý, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn cần sớm được tháo gỡ để tạo điều kiện cho địa phương phát triển.

Là địa phương có diện tích đồi núi, biển đảo chiếm tỷ lệ lớn nên nguồn lực đất đai dành cho tích tụ ruộng đất ở Quảng Ninh ngày càng khan hiếm. Vì vậy, Quảng Ninh luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý quy hoạch đất đai, tập trung ruộng đất, tạo quỹ đất nông nghiệp nhằm thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân.

anh-qn-11.jpg
Huyện Ba Chẽ là địa phương đi đầu trong việc quy hoạch trồng rừng gỗ lớn của tỉnh Quảng Ninh, nhưng quá trình tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung gặp không ít khó khăn do diện tích nhỏ phân tán, chia cắt bởi đồi núi, sông suối

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương từ các huyện miền núi tới các thị xã, thành phố gặp không ít khó khăn trong quá trình dồn điền, đổi thửa nhằm tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung.

Điển hình như tại TP. Cẩm Phả được biết đến là thành phố than, điện, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một bộ phận người dân làm nông nghiệp nên trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Cẩm Phả vẫn hướng tới nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, theo hướng hình thành một số mô hình nông nghiệp điểm, công nghệ cao, hiệu quả lớn.

Trong đó, TP. Cẩm Phả tập trung đầu tư cho 3 xã trọng điểm về nông nghiệp là Cộng Hòa, Cẩm Hải, Dương Huy xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đó là mô hình trồng lúa, rau và nuôi trâu thương phẩm tại xã Dương Huy; mô hình nuôi gia cầm, trồng cây dược liệu ở xã Cẩm Hải; mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở xã Cộng Hòa. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển nông nghiệp của Cẩm Phả hiện đang vướng phải khó khăn là quỹ đất nhỏ và manh mún, chủ yếu ở dạng vườn hộ, không thuận lợi để hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có thể triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, dù đã có doanh nghiệp đầu tư dự án nuôi tôm công nghệ cao tại xã với quy mô hơn 144 ha. Nhưng đến nay, nhiều năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ do vướng mắc một số thủ tục về đất đai, khiến nhiều hộ dân nằm trong dự án bị ảnh hưởng, đất đai bỏ hoang gây lãng phí. 

Trước những khó khăn như trên, TP. Cẩm Phả đành chủ động tìm hướng sản xuất mới, trong đó tiếp tục quá trình tích tụ ruộng đất ở những vị trí thuận lợi, nhằm hình thành được những mô hình sản xuất tập trung, hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao, tập trung cho những dự án đầu tư nông nghiệp trọng điểm, còn ở những diện tích sản xuất nông nghiệp trong vùng nội thị, thành phố khuyến khích bà con phát triển kinh tế vườn hộ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả, Ngô Thành Tâm cho biết, diện tích đất nông nghiệp ở địa phương có thể sản xuất không chỉ nhỏ bé mà còn manh mún, nằm xen kẹp giữa nhiều loại đất khác nhau, trong đó có cả đất ở. Điều này khiến cho việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất rất khó thực hiện, không tạo ra được những vùng sản xuất tập trung với diện tích rộng. Từ đó, khó triển khai được những mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

anh-qn-12.jpg
Dự án nuôi tôm công nghệ cao tại xã Cộng Hòa, TP.Cẩm Phả sau nhiều năm triển khai, đến nay vẫn chỉ là vùng đất hoang hóa do vướng mắc các thủ tục.

Trong khi đó, tại Điều 130, Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình cá nhân tích tụ đất đai, đưa khoa học công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi Điều 130, Luật Đất đai 2013 về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng hoặc bỏ quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng.

Bởi lẽ, việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để tích tụ đất đai cũng cần phải có điều kiện ràng buộc về năng lực, tiến độ thực hiện và phương án kinh doanh. Ngoài ra, dự án đầu tư được chấp thuận, phê duyệt và phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung sản xuất ứng dụng công nghệ cao được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tránh tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không hiệu quả, trong khi người nông dân bị mất tư liệu sản xuất.

Bên cạnh đó, khi ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, cá nhân có đủ khả năng về tài chính, kỹ thuật có nhu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhưng không có diện tích đất đủ lớn để thực hiện.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trong việc tạo quỹ đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư hình thành những mô hình sản xuất tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh quy mô, tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ nút thắt trong tích tụ ruộng đất ở Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO