Giữ rừng trên đỉnh Copia

Nguyễn Nga | 12/08/2021, 16:33

(TN&MT) - Rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu trải dài trên địa bàn 8 xã của 2 huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Thực hiện các chính sách khoán bảo vệ, phát triển rừng cho cộng đồng bản nơi đây, đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Ban quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu triển khai các hoạt động trồng phục hồi rừng.

Chi trả DVMTR giúp bảo vệ rừng bền vững

Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu được thành lập trên cơ sở sát nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ Thuận Châu và Ban Quản lý rừng đặc dụng Copia. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21.313 ha rừng và đất rừng trên địa bàn 8 xã thuộc 2 huyện, gồm: Nậm Lầu, Bản Lầm, Mường Bám, Co Mạ, Long Hẹ, Chiềng Bôm (Thuận Châu) và Mường Giàng, Mường Sại (Quỳnh Nhai).

Để quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, từng bước nâng cao độ che phủ, Ban quản lý đã thực hiện khoán bảo vệ rừng đến 48 cộng đồng bản, nhóm hộ các đồng bào dân tộc sống gần rừng, chủ động phối kết hợp với UBND các xã, cộng đồng bản và các ngành chức năng triển khai công tác bảo vệ rừng thuộc lâm phần được giao. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nội quy, quy ước, hương ước bảo vệ rừng.

Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn, kiện toàn các tổ, đội bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, truy quét ngăn chặn các hành vi vi phạm, xâm hại rừng, nhất là ở những địa bàn thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Từ đầu năm tới nay, đã kịp thời ngăn chặn và lập biên bản 2 vụ khai thác rừng trái phép; 4 vụ việc các hộ dân tự ý lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép để làm nương rẫy.

Các tổ đội bảo vệ rừng xã Co Mạ, huyện Thuận Châu tăng cường tuần tra bảo vệ rừng.

Công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, làm cơ sở triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định từ nghề rừng được triển khai thực hiện tốt. Năm 2020, trong tổng diện tích rừng được giao, có 11.367 ha đủ điều kiện chi trả, với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng để tập trung đầu tư các công trình phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR và hỗ trợ 48 cộng đồng bản và nhóm hộ nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng. Năm 2021, diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng dự kiến là hơn 11.457ha; đơn vị đang tiếp tục rà soát để thực hiện chi trả cho người dân.

Bên cạnh đó, năm 2020, đã hỗ trợ 927 triệu đồng để bảo vệ 2.318 ha rừng và hỗ trợ 128 triệu đồng khoanh nuôi tái sinh 321 ha rừng tự nhiên; hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất cho cộng đồng dân cư của 41 bản thuộc 5 xã của huyện Thuận Châu.

Ông Giàng A Và, Trưởng bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cho biết: Bản Cửa Rừng có 96 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Từ nhiều năm nay, bản đã phối hợp với cán bộ Ban quản lý tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng đến người dân, không được phát nương làm rẫy, không lấn chiếm đất rừng. Bản cũng nhận khoán bảo vệ hơn 300ha rừng với 15 thành viên tuần tra, bảo vệ rừng. Năm 2020, được nhận tiền khoán bảo vệ rừng hơn 340 triệu đồng, đây là nguồn khích lệ để người dân có trách nhiệm hơn trong quản lý bảo vệ rừng

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nội quy, quy ước, hương ước bảo vệ rừng.

Tăng cường các dự án trồng phục hồi rừng

Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua, Ban Quản lý rừng đăc dụng – phòng hộ Thuận Châu đã triển khai nhiều dự án trồng phục hồi rừng. Tới hết năm 2020, đã trồng mới 150ha rừng tại xã Nậm Lầu, Bản Lầm thuộc dự án trồng rừng chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; 170 ha thuộc dự án trồng rừng thay thế; 650ha dự án trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã.

Công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học đang được triển khai. Để tạo nguồn cây giống có chất lượng phục vụ trồng rừng phù hợp với địa bàn vùng cao, Ban quản lý đã phối hợp với Viện nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp triển khai đề tài “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn để trồng rừng gỗ lớn cho vùng cao Tây Bắc”. Tiến hành chăm sóc 2,5 ha khảo nghiệm dòng vô tính các giống Bạch đàn tại bản Pom Khoảng, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu. Trồng khảo nghiệm 2ha cây mắc khén thuộc xã Chiềng Bôm nhằm phát triển nguồn gen quý, tạo các giống đặc hữu riêng cho từng vùng sinh thái.

Tỉnh Sơn La đã phê duyệt phương án điều chỉnh các phân khu bị băng giá ra khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt thành phân khu phục hồi sinh thái để áp dụng các biện pháp lâm sinh phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý cho biết: Những năm qua, Ban quản lý đã xây dựng phương án PCCCR, sử dụng nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng cùng một số nguồn vốn khác để tập trung cho công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, đặc biệt là năm 2016, băng tuyết đã gây thiệt hại khoảng 1.000ha rừng tự nhiên và 500ha rừng trồng, không có khả năng tái sinh. Ban Quản lý đã sử dụng các nguồn vốn để mua cây giống, hỗ trợ và vận động các tổ đội bảo vệ rừng trồng khắc phục các diện tích bị ảnh hưởng.

Đồng thời, xây dựng phương án điều chỉnh các phân khu bị băng giá ra khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt thành phân khu phục hồi sinh thái để áp dụng các biện pháp lâm sinh phục hồi. Bằng các nguồn vốn dự án thời gian tới, Ban Quản lý đang tiếp tục triển khai các dự án trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng bổ sung. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025 sẽ trồng mới 150ha và phục hồi 100ha rừng.

Tuy nhiên, do hầu hết các xã trong địa phận quản lý đều có địa hình dốc, chia cắt sâu, với đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, La Ha, Kháng… cùng chung sống, sinh kế chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp trên đất dốc và chăn nuôi đại gia súc. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sống thành từng bản nhỏ định cư lâu dài cả vùng đệm và vùng lõi của khu rừng nên áp lực dân số còn gây khó khăn cho công tác phát triển rừng và bảo vệ vốn rừng hiện còn.

Thời tiết cực đoan băng tuyết năm 2016 đã gây thiệt hại nhiều diện tích rừng.

Tiếp tục mở rộng diện tích Rừng đặc dụng – Phòng hộ Thuận Châu
Theo Phương án quản lý rừng bền vững Khu rừng đặc dụng – Phòng hộ Thuận Châu giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh Sơn La, kế hoạch sử dụng đất của Ban Quản lý rừng Đặc dụng – Phòng hộ Thuận Châu đến năm 2030 là trên 30.500ha, thuộc 7 xã của huyện Thuận Châu và 5 xã của huyện Quỳnh Nhai.
Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt quy hoạch đến năm 2030 là trên 4.700ha, giảm hơn 1.000ha so với năm 2020, do điều chỉnh diện tích rừng từ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bị thiệt hại nặng nề do băng giá sang phân khu phục hồi sinh thái để thực hiện các biện pháp làm giàu lại rừng.
Phân khu phục hồi sinh thái có quy mô diện tích trên 11.000ha, phân khu dịch vụ hành chính quy mô diện tích 127,58ha, sẽ xây dựng các công trình: Vườn lưu giữ nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm, trung tâm cứu hộ động, thực vật, đập tạo hồ chứa nước PCCCR và các công trình phụ trợ... Với rừng phòng hộ, diện tích bảo vệ đầu nguồn là trên 14.500ha.
Cũng trong giai đoạn 2021-2030, sẽ triển khai nhiều chương trình để khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 750ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 600ha rừng; làm giàu rừng 2.000ha… Trồng mới 1.200ha rừng; trồng lâm sản ngoài gỗ 500ha…
Cùng với đó, lên phương án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với định hướng các tuyến, địa điểm du lịch như: Tuyến du lịch tham quan khu căn cứ du kích tại bản Long Hẹ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu kết hợp nghỉ dưỡng khám phá ẩm thực văn hóa đồng bào Mông xã Co Mạ; tuyến du lịch tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La từ xã Mường Sại lên xã Cà Nàng huyện Quỳnh Nhai; tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm thăm quan rừng đặc dụng, vườn sưu tập và bảo vệ động thực vật rừng bản địa, vườn lưu giữ nguồn ven động thực vật rừng quý hiếm, trung tâm cứu hộ động thực vật, trải nghiệm thực tế ươm cây giống, trồng rừng…
Bài liên quan
  • Những người giữ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
    (TN&MT) - Là khu bảo tồn thiên nhiên thứ 5 của tỉnh Sơn La được thành lập từ năm 2016, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (KBTTN) nằm trên đỉnh Sam Síp, thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Nơi đây đang lưu giữ hệ sinh thái rất đa dạng, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy thủy điện trong khu vực, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO