Giữ nguồn sống từ rừng

Chanh Nguyễn | 13/03/2023, 14:55

(TN&MT) - Không còn thói quen di dịch cư theo mùa lá vàng, người La Hủ - một trong 4 dân tộc ít người của tỉnh Lai Châu - nay đã quyết bám rừng, bảo vệ rừng nơi thượng nguồn sông Đà để giữ nguồn sống cho các thế hệ mai sau.

Tìm về nơi định cư của “tộc lá vàng”

Ngược dòng sông Đà, sau gần 5 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử - vùng sâu nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử đứng chân trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ, quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 31,556 km, với 7 mốc quốc giới (từ mốc 42 đến mốc 48 tiếp giáp với xã Gia Mễ, huyện Kim Bình của nước bạn Trung Quốc, quản lý 1 xã biên giới (Pa Vệ Sủ), gồm 12 bản, trong đó 5 bản giáp biên, với 2 dân tộc chủ yếu sinh sống đó là dân tộc La Hủ và dân tộc Mảng.

Trung tá Trần Đình Thọ - Chính trị viên Đồn biên phòng Pa Vệ Sử đưa chúng tôi đến bản Sín Chải B, nơi có đông đồng bào La Hủ sinh sống. Trung tá Thọ kể, người La Hủ trước đây thường có tên gọi là “tộc lá vàng” bởi lá lợp mái nhà của họ đổi sang màu vàng là họ lại di cư đi nơi khác.

Chính lối sống di cư gắn với tên gọi của người La Hủ đã khiến cuộc sống của họ bấp bênh. Không sống quần tụ đông đúc như nhiều dân tộc khác ở biên giới phía Bắc, người La Hủ sống biệt lập, mỗi gia đình với 2-3 nóc nhà là anh em thân thuộc cùng sống chung trên một ngọn núi. Họ dựng nhà lợp lá và tìm vạt đất tốt để phát cây, tra hạt, làm rẫy, gieo ngô. Khi lá trên mái lều úa vàng họ sẽ rời bỏ ngọn núi đó rồi đi đến một ngọn núi khác để tìm một chỗ đất canh tác tiếp. Cứ thế họ đi quanh năm suốt tháng, qua mùa mưa lại đến mùa khô, từ triền núi này sang triền núi khác. Họ nhẩm tính, khi nào nương lúa tra hạt đã chín thì họ vòng quay trở lại để thu hoạch. Chính vì thế, người La Hủ còn có tên gọi khác là dân tộc “lá vàng”.

Giờ đây, người La Hủ đã được an cư nên so với trước đây, đời sống đã có nhiều đổi khác. Vẫn cách sống bám rừng nhưng không phải là khai thác rừng mà là bảo vệ rừng, tìm nguồn lợi từ rừng, cuộc sống của bà con đang dần khởi sắc. Trung tá Thọ khoe, ở đây có cả những vườn sâm tiền tỷ.

lchau3.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu kiểm tra khu vườn ươm giống sâm tại huyện Mường Tè

Những vườn sâm tiền tỷ

Bản Sín Chải B thuộc xã Pa Vệ Sủ nằm trên đỉnh Pu Si Lung cao trên 1.500m so với mực nước biển, gồ ghề đá, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Dọc đường lên bản, lác đác những khu vườn được quây bởi lưới đen, ni lông che phủ mà theo Trung tá Thọ thì đó là những “vườn Sâm Lai Châu” đang được nhân giống. Những vườn sâm này có giá trị cả tỷ đồng.

Nhà của anh Pờ Và Hừ - Trưởng bản Sín Chải B sạch sẽ nằm ngay trên trục đường chính. Ngôi nhà khá rộng được làm từ gỗ, chia thành các gian, tách rời nhà với bếp.

Dẫn chúng tôi ra vườn sâm ngay phía bên kia đường, anh Hừ bảo: “Ngày trước mình hay theo bố lên rừng kiếm củ sâm về bán, đổi lấy gạo thóc thôi. Nhưng khai thác mãi cũng cạn kiệt, bố mình tìm cách trồng ở trên rừng, ở luôn đó để trông coi. Mấy năm trở lại đây, tỉnh rồi huyện, xã vận động người dân tham gia trồng sâm, giữ nguồn giống quý nên mình đi tìm hiểu cộng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ nên tự tin mở rộng rừng trồng”.

Giờ anh Hừ đã có một vườn sâm thuần và chuẩn giống. Anh đã khai thác từ rừng một số củ sâm to nhưng không đem bán như trước đây mà giữ lại để nhân rộng và chia sẻ với bà con trong bản.

“Mình là trưởng bản, mình không làm trước thì nói bà con không nghe đâu. Giá trị của sâm rất lớn nên giữ củ lại trồng lấy giống cũng rất may rủi. Nếu như không biết trồng, chăm đúng kỹ thuật thì hỏng củ sâm, mất từ chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Chính vì thế nên mình phải tìm hiểu, rồi rút kinh nghiệm, sau đó chia sẻ với bà con”, anh Pờ Và Hừ bộc bạch.

 Đồng bào La Hủ sống tập trung tại 44 bản thuộc 5 xã (Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Ka Lăng, Bum Tở và Nậm Khao) của huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Các xã này đều nằm ở vùng có độ cao trung bình từ 500 - 1.000m và có độ dốc lớn. Bản làng của người La Hủ do vậy đều nằm trên các sườn núi, gồm các khe nước chảy từ trên cao xuống. Hiện, số dân của người La Hủ ở Lai Châu là hơn 1 vạn người, chiếm khoảng 2.67% dân số của tỉnh. 

Lên núi cao trồng thuốc quý

Cây sâm mà Trung tá Thọ gọi là “vườn cây tiền tỷ” và anh Hừ đang trồng, nhân giống thành công đó là sâm Lai Châu. Sâm Lai Châu thuộc chi nhân sâm, họ ngũ gia bì, là dược liệu rất quý hiếm đã có từ rất lâu đời trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress; lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần nên giá trị kinh tế trên thị trường cao.

Theo nghiên cứu, hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh tương đương nhau (khoảng 20%). Hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23%.

Về giá trị kinh tế, giá trên thị trường của Sâm Lai Châu là rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg.

Với giá trị cao như thế, cây sâm Lai Châu đã được tỉnh Lai Châu nghiên cứu để nhân giống và trồng thủ nghiệm thành công.

Vốn là cây ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông nên rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại các xã Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Nhờ lợi thế đó, nhiều bản làng ở xã Pa Vệ Sử đã phát triển trồng sâm.

Hiện toàn xã Pa Vệ Sủ theo ước tính đã có khoảng trên 15ha trồng sâm của người dân và các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng với gần 100 vườn, khu, dự án trồng sâm. Với chính sách mở của địa phương khuyến khích phát triển cây sâm, dự báo diện tích sẽ tiếp tục được mở rộng.

Đưa cây sâm Lai Châu phát triển vươn xa

Từ khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy rõ tiềm năng phát triển cây sâm ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn giống và đưa ra các chính sách khuyến khích để đưa cây sâm trở thành một cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo.

lchau1.jpg

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh Lai Châu đã thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu (trong đó có sâm Lai Châu) giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết...

Cùng với việc hỗ trợ phát triển, Lai Châu đã triển khai hàng loạt các dự án bảo tồn và nhân giống sâu Lai Châu. Qua đó đã tuyển chọn được hàng chục ngàn cây mẹ và cây mô hình để chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Không để người dân phát triển tự phát, tỉnh Lai Châu chủ trương thúc đẩy liên kết “4 nhà” nhà nông – nhà quản lý - nhà khoa học – doanh nghiệp. Với việc “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu.

Chỉ tính riêng bản Sín Chải B, hiện nay có 2 doanh nghiệp và 45 hộ dân (trong tổng số 53 hộ dân tộc La Hủ) trồng sâm Lai Châu. Thay vì trồng dưới tán rừng tự nhiên, cả 2 đơn vị cùng rất nhiều hộ dân đã đưa cây sâm về trồng tại bản theo mô hình nhà lưới.

Từ những thành công bước đầu tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè quyết tâm xây dựng kế hoạch nhằm đưa cây sâm Lai Châu trở thành cây chủ lực của vùng. Dự kiến, huyện Mường Tè sẽ ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây sâm Lai Châu và một số cây dược liệu khác giai đoạn 2023 – 2025. Từ đó, người dân vùng biên, nhất là người La Hủ, sẽ có thêm sinh kế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bài liên quan
  • Lai Châu phát triển cây dược liệu hướng giảm nghèo bền vững
    (TN&MT) - Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những chủ trương lớn của tỉnh Lai Châu. Từ chủ trương này Lai Châu đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Đây là cơ hội giúp người dân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO