Giữ gìn môi trường ở chốn thiêng – chùa Thầy

17/02/2016 00:00

(TN&MT) - Nằm dưới chân dải núi đá vôi giữa vùng đồng bằng xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, chùa Thầy từ lâu đã nổi tiếng bởi những truyền thuyết linh thiêng và cảnh quan non nước hữu tình. Để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của ngôi chùa này, chính quyền địa phương đã, đang có nhiều nỗ lực. Trong đó, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng nhất.

Từ hơn 8 giờ sáng ngày đầu xuân, du khách đã bắt đầu tấp nập đến vãn cảnh chùa.
Từ hơn 8 giờ sáng ngày đầu xuân, du khách đã bắt đầu tấp nập đến vãn cảnh chùa.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban quan lý di tích chùa Thầy: Những ngày đầu xuân Bính Thân, mỗi ngày nơi đây đón tiếp khoảng 5 nghìn lượt khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh và lễ chùa. So với các năm trước, lượng khách năm nay không có nhiều biến động. Theo ước tính, lượng khách sẽ tăng đột biến vào chính hội chùa Thầy tức ngày 7 tháng 3 âm lịch.

“Nhớ ngày mùng 7 tháng 3

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”

Cũng theo ông Tuấn, từ nhiều năm nay, việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách thăm quan luôn được chính quyền và Ban quan lý chùa quan tâm. Trong đó có công tác bảo vệ môi trường cảnh quan chùa Thầy nhằm tạo dấu ấn “sạch, đẹp” trong lòng du khách bốn phương.

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý di tích chùa Thầy
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý di tích chùa Thầy

Công tác bảo vệ môi trường chùa Thầy được thực hiện theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ phía nhân dân, Câu lạc bộ Môi trường Chùa Thầy đã được thành lập nhằm khơi dậy nhận thức bảo vệ môi trường trong đoàn viên, hội viên trên địa bàn xã Sài Sơn và du khách thập phương; tổ chức các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường khu trung tâm Chùa Thầy. Song song với đó, UBND xã, Ban quản lý di tích chùa đã thành lập những đội vệ sinh môi trường chuyên nghiệp. Hàng ngày, những đội này sẽ quét rác quanh chùa, thu gom rác thải tại hồ Long Trì và vận chuyền rác tới nơi tập trung đã được quy định sẵn tại chùa. Sau đó, 2 lần/tuần, số rác này sẽ được đội thu gom, vận chuyển đi nơi khác xử lý.

Được biết, trước đó, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã triển khai Dự án cải tạo môi trường hồ Long Trì, nhằm góp phần cải tạo môi trường sinh thái, làm trong sạch lòng hồ, tạo dựng cảnh quan và sự tôn nghiêm khu vực Chùa Thầy. Dự án này đã và đang thu lại nhiều kết quả khả thi.

Những hồ nước trong khuôn viên chùa được vớt rác thường xuyên, trong sạch
Những hồ nước trong khuôn viên chùa được vớt rác thường xuyên, trong sạch

Với hơn 1000 năm lịch sử, chùa Thầy đang được các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong khâu quản lý và tổ chức lễ hội nhưng chính quyền địa phương và Ban quản lý chùa vẫn quyết tâm nhằm phát huy hết những giá trị di sản vốn có của chốn linh thiêng này.

Cùng với chùa Tây Phương và Chùa Hương, Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội. Nơi đây chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của Thiền sư Từ Đạo Hạnh - vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi này.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng.

Về kiến trúc, phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất.

H.Phúc

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn môi trường ở chốn thiêng – chùa Thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO