Giữ biển trời này như trái tim tôi

25/01/2017 00:00

(TN&MT) - Để cá tôm khẳm mạn thuyền, mồ hôi, nước mắt và cả máu của ngư dân đã hòa vào vị mặn mòi của biển. Bởi vậy, biển vẫn là nhà, là cánh đồng quê bất tận, là tình yêu khắc khoải khôn nguôi. Vượt qua nghìn trùng bão tố, những khó khăn vất vả, họ vẫn vươn khơi bám biển với trái tim mãnh liệt, cùng quyết tâm son sắt “giữ biển trời như là trái tim của tôi”.

Để mang về những mùa thủy sản bội thu
Để mang về những mùa thủy sản bội thu

Can trường giữa Hoàng Sa

Tinh sương, bến cảng Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) dậy sớm đón hàng trăm tàu cá của ngư dân vào ra rộn ràng, tấp nập, cờ Tổ quốc đỏ thắm, rạng ngời trong giá rét. Thoăn thoắt đôi tay đan lại những mắt lưới rách trước khi kéo neo, ngư dân Lê Văn Chiến hồ hởi: “Mấy tháng rồi biển động, tàu chỉ đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ. Bây giờ lặng gió, biển êm, tàu ra Hoàng Sa làm một hai chuyến để về ăn Tết. Cá tôm nhiều nhất là ở ngư trường Hoàng Sa”.

50 tuổi, ngót ngét gần bốn chục năm đạp sóng bạc Hoàng Sa, thuyền trưởng Chiến đã bao lần vượt sóng to gió cả, bão tố, lốc xoáy, tàu nước ngoài đe dọa... Được ví là “sói biển” Hoàng Sa của Đà Nẵng, câu chuyện dặm dài theo sóng nước biển khơi của ngư dân can trường Lê Văn Chiến lại trở về với câu chuyện con tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi cuối tháng 5/2014. Trong lúc mọi người hoảng sợ, ông Chiến đã nhanh chóng cho tàu mình lao đến vị trí tàu bạn đang chìm, cứu vớt bạn nghề đang bơi trên ngọn sóng mênh mông, động viên mọi người kiên cường vượt hiểm nguy, bảo vệ biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Cũng có khi lo lắng. Nhưng biển mình, mình làm. Chẳng ai cản được”- “Sói biển” Lê Văn Chiến cười khẳng khái, nụ cười khiến khuôn mặt cương nghị, rám nắng rực lên trong gió mặn mòi.

Từng ngang dọc Hoàng Sa - Trường Sa, thắng cả cơn bão lớn Chanchu, ngư dân Phạm Phú Thành, xã Binh Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nếm trải đủ hiểm nguy, nhưng mối họa từ những con tàu lạ, ông không lường được. “Đêm ấy, khi các thuyền viên đã tản đi khai thác, tôi đang ở trong tàu, bất thình lình nghe ầm và sau đó, tàu bắt đầu chìm. Tôi chỉ kịp nhìn một chiếc tàu vỏ sắt vừa đâm vào tàu mình đang bỏ chạy”- ông Thành nhớ lại. Trong phút sinh tử, ông chỉ kịp dùng máy ICOM thông báo cho các thuyền viên khác biết tàu đã bị tông chìm và gọi tàu bạn trợ giúp, động viên anh em bám chặt phần mũi tàu còn nổi trên mặt nước. May mắn, tàu cá QNa 94998 do ông Phạm Phú Trung (cùng ngụ xã Bình Minh) đang thả lưới gần đó, đã kịp thời lao tới cứu nạn.

Con tàu trị giá gần 10 tỷ đồng cùng hàng chục tấn hải sản chìm vào lòng biển. Trở về hai bàn tay trắng cùng khoản nợ lớn, nhưng không nhụt chí, lại thêm sự hỗ trợ của chính quyền, bạn nghề, nghiệp đoàn đánh cá... ngư dân Phạm Phú Thành khẩn trương hoàn tất thủ tục vay vốn, tiếp tục đóng tàu lớn hơn, tốt hơn để cùng bạn nghề ra khơi, bám biển. “Bị tàu lạ đâm chìm, chúng tôi sẽ đóng tàu hiện đại hơn để tiếp tục khai thác trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa mà bao đời ông cha chúng tôi để lại” – ông Thành điềm tĩnh sẻ chia. Với những ngư dân lão luyện, can trường như ông Thành, ông Chiến... Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ là ngư trường quen, mà nơi đó còn có máu thịt, thi thể của bao bạn nghề, của cha ông đã nằm lại với biển này, linh hồn họ vẫn ngày ngày hiển linh cùng gió mây, sóng nước Hoàng Sa thiêng liêng.

Ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển với lòng quyết tâm son sắt giữ biển trời quê hương
Ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển với lòng quyết tâm son sắt giữ biển trời quê hương

Tiếng gọi từ biển cả

Quãng thời gian nằm bờ vì lốc xoáy đánh vỡ tàu ngoài khơi xa, ngư dân Nguyễn Văn Cu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không khỏi bồn chồn. Đêm nằm nghe sóng vỗ bờ, lòng nhớ biển cồn cào. Gặp bạn tàu, họ cũng bảo đi biển quen rồi, dù hiểm nguy, gian khó. Chị Bùi Thị Huệ, vợ của ngư dân Nguyễn Văn Cu nói: “Nhiều lần tui bàn bạc, khuyên can ổng tìm nghề khác. Mà ổng nào có nghe. Ổng bảo, nghề biển ở trong máu thịt rồi nên không bỏ được, cha ông mình đã sống dựa vào biển, mình cũng vậy thôi”.

Câu chuyện nghề biển của “nữ tướng” làng chài Lê Thị Huệ ở quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng như một khúc tráng ca. Tháng 5/2006, siêu bão Chanchu đổ bộ vào Biển Đông, nhấn chìm đội tàu của gia đình chị, trong đó, có anh Nguyễn Út Thanh chồng chị làm thuyền trưởng. Anh Út Thanh không về, để lại cho chị 4 con thơ nheo nhóc, đứa nhỏ nhất mới hơn 10 tuổi. 4 tàu đi, chỉ 3 tàu trở về nhưng hư hại hoàn toàn, không thể ra khơi được nữa. Sản nghiệp mất hết, lại thêm số tiền nợ 1,2 tỷ đồng. “Âu cũng là cái nghiệp, bởi biển không chỉ lưới nặng cá đầy, mà còn biết bao nhiêu sóng gió, hiểm họa bất ngờ” - chị Huệ tâm sự. Ai cũng nghĩ chị sẽ gục ngã, sẽ phải bán nhà, bỏ xứ mà đi để tránh nợ nần... “Mỗi lần ra cảng cá, sờ vô tàu của người ta tui lại thấy ổng hiện về, lại chảy nước mắt”, chị hồi tưởng. Trong nỗi đau khôn nguôi, khát vọng thay chồng khôi phục nghề đánh bắt, làm chủ biển khơi trong chị dào lên từng đợt như sóng. Để có tiền đóng tàu mới, chị Huệ xoay xở vay mượn bà con, bạn nghề, đóng tàu với công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Dần dà tích góp, lại nhận được sự hỗ trợ của chính quyền TP. Đà Nẵng, chị mạnh dạn đóng mới tàu lớn để vươn khơi, thay chồng thi gan cùng sóng gió, làm chủ biển cả. Ngày hạ thủy chiếc tàu ĐNa 90422 trị giá gần 3 tỷ đồng, chị lặng lẽ thắp nén hương lên bàn thờ người chồng yêu quý: “Ông hãy ra đi thanh thản, tôi sẽ thay ông vực dậy những con tàu”. Biển không phụ lòng người, những chuyến ra khơi liên tục được mùa. Cá tôm khẳm mạn thuyền, lòng chị vừa phấn chấn vừa bùi ngùi. Năm qua, nhờ trời mưa thuận gió hòa, 2 chiếc tàu cá đã mang lại cho gia đình chị doanh thu hơn 2 tỷ đồng, chị càng hăng say bám biển.

Xen giữa đợt gió lạnh cuối mùa, hơi ấm mùa xuân khẽ luồn qua kẽ lá, thúc mầm non vươn dậy, bật lên màu xanh tươi mới nõn nà. Phía chân núi Sơn Trà, những con tàu rực rỡ cờ Tổ quốc, không ngần ngại vượt sóng gió, ra khơi, đến với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, diệu vợi. Trên tàu, tiếng hát ngư dân vang trên mặt biển, lan xa, lan xa tít tận chân trời. Đời này qua đời khác, lớp lớp như sóng dồn, tình yêu biển vỗ mãi không nguôi trong trái tim người làng chài miền Trung...

Lan Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ biển trời này như trái tim tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO