Gìn giữ nét đẹp truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Nga | 26/08/2022, 11:20

(TN&MT) - Thành phố Sơn La có có trên 106.000 người, 12 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 52% dân số. Để gìn giữ, bảo tồn, khôi phục các phong tục tập quán tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thành phố, năm 2020, Thành ủy Sơn La đã ban hành Đề án số 04 – ĐA/TU, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020 – 2025.

Những kết quả bước đầu

Qua hơn một năm thực hiện Đề án, đến nay, trên địa bàn Thành phố đã thành lập 8 câu lạc bộ (CLB) ở các xã Chiềng Xôm, Chiềng Cọ, các phường Chiềng An, Chiềng Lề, Chiềng Cơi, Tô Hiệu, Chiềng Sinh, Quyết Thắng. Ra mắt 2 CLB văn hóa dân tộc Thái gồm: CLB văn hóa dân tộc Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi; CLB văn hóa dân tộc Thái Tổ 3, phường Chiềng An.

CLB Văn hóa dân tộc Thái, tổ 3, phường Chiềng An ra mắt với 43 thành viên, là những nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có năng khiếu sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tự nguyện tham gia. Sau khi thành lập, CLB đã tổ chức truyền dạy 7 điệu xòe Thái cổ, dạy nghề đan lát, thêu khăn piêu; các trò chơi dân gian tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, tó má lẹ… và truyền dạy chữ Thái.

a1.jpg

Lễ ra mắt CLB văn hóa dân tộc Thái Tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Còn tại CLB văn hóa dân tộc Thái, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, cứ đến tối thứ 7 hàng tuần lại luôn rộn tiếng hát, tiếng cồng, chiêng. Với 29 thành viên, các nghệ nhân đã triển khai nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy, giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Thái; tập luyện các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Cùng với đó, phong trào mặc trang phục dân tộc đã được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị thành phố, UBND các xã, phường và giáo viên, học sinh các nhà trường nhiệt tình hưởng ứng, tạo nét đẹp văn hóa mới nơi công sở, không khí vui tươi phấn khởi nơi làm việc và học tập vào những ngày thực hiện phong trào.

Mở 4 lớp tập huấn phổ cập các điệu xòe Thái cho 161 cán bộ, công chức thuộc thành ủy, các cơ quan khối đoàn thể, các phòng, ban, đơn vị thành phố và giáo viên phụ trách công tác đội của các trường THCS. Duy trì hoạt động thường xuyên 180 đội văn nghệ quần chúng ở các tổ, bản để truyền bá, phổ biến các làn điệu dân ca, các điệu xòe Thái cổ trong nhân dân.

a2.jpg

Lớp dạy văn hóa Thái cho thanh thiếu nhi năm 2022 tại phường Chiềng Sinh.

Bên cạnh đó, đã xây dựng 7 nhà nghỉ du lịch cộng đồng tại xã Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Xôm, Chiềng An; 1 bản du lịch cộng đồng bản Hùn, xã Chiềng Cọ; xây dựng mô hình phát triển du lịch hồ bản Mòng, du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng bản Mòng; du lịch sinh thái, hang động bản Co Pục, Chiềng Ngần… Du khách đến với các cơ sở sẽ được tham quan, trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc Thái.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết: Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường trong triển khai Đề án, bảo đảm việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Hướng tới mục tiêu bảo tồn, khôi phục các phong tục tập quán tốt đẹp và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thành phố Sơn La mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tiểu vùng Tây Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.

a3.jpeg

Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 100% các đội văn nghệ quần chúng tại các bản hoạt động thường xuyên, là nòng cốt để truyền bá và phổ biến các điệu xòe Thái cổ trong nhân dân. Tiếp tục thành lập các CLB văn hóa dân tộc Thái và duy trì hoạt động thường xuyên tại các, xã, phường. Phấn đấu hàng năm tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94% trở lên; trên 85% bBản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” hàng năm; Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được 2 phường đạt tiêu chuẩn phường văn minh đô thị.

Xây dựng kế hoạch, duy trì tổ chức Lễ hội Mùa hoa ban; Hội Xuân dân Bác; phổ biến các điệu Xoè Thái cho cán bộ, công chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn; tiếp tục tổ chức thành lập các CLB văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn các xã, phường.

Tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của các Đội văn nghệ quần chúng và duy trì tổ chức biểu diễn giao lưu văn nghệ giữa các bản, xã, phường trong các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu phục dựng Lễ hội Hạn Khuống và duy trì tổ chức hai năm/lần quy mô cấp xã.

a4.jpeg

Sơn La duy trì tổ chức Lễ hội Mùa hoa ban; Hội Xuân dân Bác; phổ biến các điệu Xoè Thái… góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc.

Xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc hoặc thơ, văn về chủ đề văn hóa dân tộc thành phố Sơn La. Tiếp tục tổ chức phát động mặc trang phục dân tộc đến trường với học sinh, đến công sở với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố ít nhất một ngày trong tuần và duy trì hoạt động thành nền nếp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO