Giáo dân Chợ Lách (Bến Tre): Linh hoạt bảo vệ môi trường, phòng chống hạn mặn

Bạch Thanh | 01/10/2021, 11:05

(TN&MT) - Là địa phương chuyên về sản xuất cây giống, hoa kiểng và trồng cây ăn trái, bà con Giáo dân và nhân dân trên địa bàn huyện Chợ Lách đã cùng nhau bảo vệ môi trường, linh hoạt trong dự trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nhằm chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn mùa khô diễn ra hàng năm.

Linh hoạt tích trữ nước ngọt

Xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) được biết đến là nơi có rất đông đồng bào theo đạo Công giáo làm ăn, sinh sống. Nơi đây cũng rất nổi tiếng với cái tên “Làng hoa kiểng Cái Mơn”. Những năm qua, đồng bào Công giáo tại xã Vĩnh Thành nói riêng và trên địa bàn huyện Chợ Lách nói chung không chỉ chăm lo về sản xuất cây giống, hoa kiểng và trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế, mà còn chung tay bảo vệ môi trường, linh hoạt trong tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Chăm sóc cây giống, hoa kiểng tại Chợ Lách (Bến Tre)

Ông Nguyễn Văn Hùng, là tín đồ Công giáo ở xã Vĩnh Thành có 1,4 ha đất chuyên trồng cây giống và hoa kiểng. Trước đây, khi các sông, rạch trên địa bàn nguồn nước có độ mặn cao, không còn nguồn nước dự trữ tưới cây, ông Hùng phải di chuyển cây giống đến địa điểm khác và mua nước ngọt để tưới, dẫn tới tốn kém rất nhiều chi phí.

Những năm qua, hạn mặn ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm trước, ông Hùng đã chủ động dành 1.200 m2 đất để đào ao trữ nước ngọt tưới tiêu cho mùa khô. Ao được ông Hùng thuê thợ đào sâu 5m, lót bạt trữ khoảng 6.000 m3 nước. Với nguồn nước tích trữ này, hàng năm ông Hùng có đủ nước để tưới cây qua đợt hạn mặn và không phải tốn chi phí mua nước như trước đây.

Cũng là một Giáo dân ở Chợ Lách, ông Đặng Văn Thanh chuyên sản xuất cây giống, kiểng lá với tổng cộng 2,3ha ở nhiều địa điểm khác nhau. Để chủ động nguồn nước tưới trong mùa hạn mặn, ở mỗi khu đất ông đều dành một phần diện tích để đào ao trữ nước. Mặc dù đào các ao tốn đến hàng trăm triệu đồng nhưng ông Thanh vẫn cho rằng đó là một lựa chọn đúng để “sống chung với hạn mặn”, bởi vì một lần đầu tư sẽ có nguồn nước dùng cho nhiều năm tiếp sau.

Ngoài hộ ông Thanh, ông Hùng, hầu như các nhà vườn ở Chợ Lách đều linh hoạt tích trữ, bảo vệ nước ngọt, phòng chống hạn mặn bằng nhiều biện pháp khác nhau như: đào ao, hồ chứa nước, túi trữ nước trong vườn, ngăn trữ trong kênh mương...; trong đó, nhiều nhất vẫn là đào hồ, ao lót bạt. Với mô hình này, các hộ dân, các cơ sở sản xuất tại vùng cây trái Chợ Lách tích trữ được hàng trăm đến cả hàng ngàn khối nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong những tháng mùa khô.

Mô hình đào ao, lót bạt tích trữ hàng ngàn khối nước ngọt

Bảo vệ môi trường, phòng chống hạn mặn

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Thành, cuối năm 2016, địa phương này đã xây dựng “Mô hình xã điểm Vĩnh Thành có đông đồng bào Công giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Qua gần 5 năm thực hiện, ý thức, kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu như tích trữ nước mưa, nước ngọt; các giải pháp để phòng chống hạn mặn cho cây trồng, vật nuôi… nhất là kinh nghiệm giúp thích ứng với diễn biến thời tiết đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay trong bà con Giáo dân và cộng đồng nhân dân trên địa bàn được nâng cao, mang lại lợi ích thiết thực.

Trong thời gian tới, MTTQ xã Vĩnh Thành sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc và vận động Giáo dân cùng toàn dân tham gia thực hiện tốt các nội dung kế hoạch của mô hình. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo 100% hộ chủ động trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, vận động cộng đồng ủng hộ xây dựng hố xử lý rác thải nông nghiệp, bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, nạo vét kênh mương trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa hạn mặn. Đồng thời, tổ chức vận động lắp cống trên một số kênh rạch có trữ lượng nước lớn nhằm chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.

Túi trữ nước khổng lồ được nhiều người dân trang bị

Còn theo ngành Nông nghiệp huyện Chợ Lách, trên địa bàn huyện có nhiều hình thức trữ nước để sử dụng sản xuất: trữ nước qua hệ thống công trình thủy lợi chung (mùa hạn mặn, chính quyền sẽ đậy cống trữ nước); Nhà nước và nhân dân cùng đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt; trữ nước trong túi chứa khổng lồ; đào ao, hồ phủ bạt (mô hình giống ao nuôi tôm)…

Theo đó, hiện nay nhà vườn dùng mô hình đào ao phủ bạt nhiều vì diện tích tích trữ lớn, đáp ứng được nguồn nước cho sản xuất. Cùng với đó, nhiều hộ dân có điều kiện và diện tích canh tác lớn, họ đã tự trang bị các máy đo độ mặn để kiểm tra, điều tiết nước tưới tiêu kịp thời. Kinh nghiệm từ nhiều năm xảy ra hạn mặn, người dân cũng có ý thức điều chỉnh lịch mùa vụ, chọn giống sản xuất sao cho phù hợp với tình hình thời tiết, hạn mặn diễn biến hàng năm.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện Chợ Lách còn làm tốt công tác dự báo và kịp thời thông báo đến dân, hướng dẫn nông dân phương thức chăm sóc cây trồng trong mùa khô; đồng thời phối hợp ngành TN&MT huyện và chính quyền địa phương có kế hoạch bảo vệ nguồn nước, xử lý triệt để các trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Thời gian qua, bà con Giáo dân Chợ Lách thường xuyên ra quân xây dựng cảnh quan môi trường, dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường giao thông nông thôn và khu dân cư; xây dựng hàng trăm hầm chứa rác thải độc hại để xử lý vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời tổ chức đắp nhiều tuyến đê bao, xây dựng cống đập, nạo vét kênh mương, đào ao hồ… để tích trữ, bảo vệ nguồn nước ngọt, phòng chống hạn mặn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO