Giận doanh nghiệp “chém” cà phê

05/11/2014 00:00

(TN&MT) - Tình trạng người dân ở Mường Ảng “cướp” cà phê của CT cà phê Thái Hòa, khiến cho những người có trách nhiệm với cây cà phê không khỏi băn khoăn.

(TN&MT) - Một trong những điều kiện cần và đủ để cà phê Mường Ảng được đăng ký thương hiệu đó là yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng nhiều người dân ở Mường Ảng (Điện Biên) kéo nhau đi “cướp” cà phê của Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa vừa qua, đã khiến cho những người có trách nhiệm với cây cà phê không khỏi băn khoăn.
   
Xót xa cà phê Mường Ảng
   
  Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa thì toàn huyện Mường Ảng có gần 200 hộ dân góp đất cho Công ty trồng cà phê với tổng diện tích trên 400ha, thuộc 7 điểm của 5 xã: Búng Lao, Mường Lạn, Mường Đăng, Nặm Lịch, Xuân Lao. Nhiều năm nay người dân không được hưởng lợi từ cổ phần đất góp, nhất là thời điểm hiện nay khi Công ty đang có nguy cơ bị phá sản, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh không công ăn việc làm, không đất trồng trọt chăn nuôi. “Tức nước vỡ bờ”, vì không được hưởng giá trị đất góp nên những ngày đầu tháng 10 vừa qua, một số hộ dân thuộc các điểm trồng cà phê của Công ty đã ồ ạt đi tuốt cà phê non lẫn quả chín về bán.
   
  Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi tại bản Thái (1 trong 7 điểm trồng cà phê của Công ty), xã Mường Đăng, đó là những cây cà phê bị tuốt nhẵn cành; nhiều cành cây bị bẻ gãy. Tiến sâu vào bên trong vườn cà phê chúng tôi gặp hàng chục người đang vội vã đóng cà phê vào bao để vận chuyển lên ô tô (ước tính khoảng 3 tấn quả xanh, non). Hỏi ra được biết, đó là số cà phê mà gia đình ông Lường Văn Ánh (người bảo vệ điểm cà phê bản Thái của Công ty) đã thu từ những người dân đi hái “trộm”. Ông Ánh nói: Gần một tuần nay, người dân các bản xung quanh điểm trồng cà phê ở bản Thái ồ ạt kéo nhau đến “cướp” cà phê. Nhiều người nơi khác cũng tranh thủ vào tuốt theo kiểu “đục nước béo cò”, tôi phải huy động cả gia đình đi cản nhưng không được. Họ còn nói: Công ty phá sản rồi, họ không trả phần trăm thì bây giờ chúng tôi chỉ biết lấy cà phê bán kiếm sống thôi.
   
 Những cây cà phê Mường Ảng bị người dân ồ ạt tuốt trụi
   
  Cùng ông Ánh đến điểm cà phê tại bản Thái chứng kiến cảnh hàng chục người thoăn thoắt tuốt những chùm quả xanh bóng cho vào bao bì, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tương lai và chất lượng của cà phê ở đất Mường Khoe. Rồi đây, sẽ ra sao khi những quả xanh, non được trộn với quả chín đem bán ra thị trường.
   
  Vừa ném phịch bao quả cà phê từ vai xuống đất, ông Lò Văn Vui, bản Thái vừa nói với chúng tôi như để phân trần: Hơn một năm qua chúng tôi không được nhận một đồng nào từ việc góp đất cho Công ty, giờ lại nghe người ta bảo công ty phá sản rồi, nên chúng tôi phải làm cái việc cực chẳng đã này chứ ngồi nhà lấy gì mà ăn. Và khi chúng đề cập đến chất lượng cà phê sẽ ra sao nếu số lượng cà phê xanh, non này bán ra thị trường, ông Vui chỉ trả lời ậm ờ cho qua.
   
  Đến một điểm trồng cà phê khác của Công ty Thái Hòa ở xã Xuân Lao – Mường Lạn, chúng tôi cũng thấy chung tình trạng như ở bản Thái. Trên nương cà phê rặt toàn cây bị tuốt trơ cành. Đi cùng chúng tôi cả buổi, nhưng mãi đến lúc này ông Nguyễn Đạt Võ, Phó giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa mới cho biết thông tin: Qua kiểm tra sơ bộ, thấy rằng có 4/7 điểm trồng cà phê của Công ty bị người dân “cướp trắng”; ước diện tích khoảng hơn 200ha và khoảng 500 tấn quả xanh, non bị hái. Mỗi ngày đầu nậu có thể thu gom được 10 – 20 tấn cà phê xanh, non. Vì có người thu mua người dân vẫn tuốt trộm cà xanh, non để bán.
   
Chất lượng về đâu?
   
  Trong lộ trình đưa cà phê Mường Ảng vươn ra thị trường lớn hơn, với chất lượng cà phê “ngon nhất thế giới”, mấy năm gần đây chính quyền địa phương, Hiệp Hội cà phê Mường Ảng đã và đang rất nỗ lực hoàn thiện các thủ tục xây dựng thương hiệu cho loại cây này. Tuy nhiên, tình trạng người dân tuốt quả xanh lẫn quả non sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cà phê cả vùng và lộ trình xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng. Anh Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Mường Ảng cho biết: Tình trạng người dân tuốt cà phê ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê Mường Ảng. Bởi cà phê của Công ty chủ yếu là loại cà phê Arabica, mà trong bộ tiêu chuẩn thu hái cà phê Arabica không có khái niệm “tuốt” quả mà phải là hái và hái từng quả một, quả phải chín từ 90% trở lên mới đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc tuốt quả hàng loạt còn ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ sinh trưởng, tồn tại của cây. Tuốt hàng loạt thế này thì rất có thể, sang năm tiếp theo sản lượng sẽ không đạt hoặc có thể cây không ra quả.
   
Không những quả chín người dân tuốt cả quả xanh
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Minh Cương, Trưởng phòng Công thương huyện Mường Ảng, khẳng định có xảy ra tình trạng người dân đã tự thu hái quả để bán cho các doanh nghiệp, tư thương với giá chỉ từ 2 – 3 nghìn đồng/kg. Chính vì vậy, chất lượng cà phê trên địa bàn huyện sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Để chấm dứt tình trạng trên, Phòng Công Thương đã phối hợp với Đội quản lý thị trường, Công an huyện kiểm tra các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn huyện (chủ yếu là 2 doanh nghiệp thu mua lớn là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế và Công ty TNHH Minh Tiến); đồng thời đề nghị các cơ sở ký cam kết không thu mua cà phê xanh, non. Mặt khác, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện yêu cầu Công an huyện, Quản lý thị trường, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thu hái cà phê xanh, non và yêu cầu các cơ sở chế biến không thu mua cà phê xanh làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê Mường Ảng.
   
  Ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động người dân không tuốt cà phê như trên cũng như vận động doanh nghiệp, tiểu thương không thu mua cà phê xanh, non thì thiết nghĩ chính quyền huyện Mường Ảng cần có biện pháp, chế tài mạnh hơn đối với các cá nhân, “cố tình” cướp quả cà phê để làm gương cho những người khác.  
   
Bài, ảnh: Phong Vân
   
   
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giận doanh nghiệp “chém” cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO