Giám sát rác thải từ nguồn tới biển: Giải quyết thách thức trong phát triển bền vững

Tuyết Chinh| 14/05/2020 16:41

(TN&MT) - Quản lý chất thải rắn và ô nhiễm rác thải nhựa “từ nguồn tới biển” (Source to Sea - S2S) được kỳ vọng sẽ giảm rác thải nhựa hiệu quả.

Tổ Chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) hiện đang hợp tác với Viện nước Quốc tế Stockholm (SIWI) thí điểm một dự án do GIZ tài trợ về cách tiếp cận S2S tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn của Việt Nam tập trung vào quản lý rác thải rắn nhằm giảm rác thải trên biển.

Giải quyết vấn đề cấp bách

Theo bà Vũ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn chất thải và nguồn của IUCN, kết quả sơ bộ về nghiên cứu rác thải lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cho thấy mỗi ngày có tới 36,5 tấn chất thải nhựa không được thu gom ở lưu vực sông.

Rác thải nhựa tấp vào biển Đà Nẵng sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: VH

Lưu vực sông, vùng bờ biển và biển có mối quan hệ tương tác nhau, trong đó vùng bờ biển là không gian chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển, có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, theo khuyến cáo của SIWI, cần có các cách tiếp cận tổng hợp quản lý rác từ nguồn tới biển (S2S) để gắn kết quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế - xã hội.

Do vậy, Quản lý từ nguồn tới biển thí điểm áp dụng nghiên cứu trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được kỳ vọng sẽ giúp giảm rác thải nhựa hiệu quả.

Quản lý từ nguồn tới biển (S2S) là cách tiếp cận nhằm giảm rác thải trên biển thông qua tập trung vào tính kết nối và liên quan lẫn nhau giữa các lưu vực sông và vùng ven biển với mục đích giải quyết một cách tổng thể vấn đề quản lý đất, nước ngọt và hệ sinh thái để kiểm soát và hạn chế rác thải nhựa từ các nguồn khác nhau đổ ra biển và hệ thống nước ngọt.

Đại diện SIWI cho biết, cách tiếp cận này đưa ra một quy trình cấu trúc để vận dụng trong khâu thiết kế, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá dự án và chương trình với mục tiêu hỗ trợ quản lý từ-nguồn-tới-biển. Đây là một cách tiếp cận khá nhanh chóng và linh hoạt được xây dựng dựa trên tham chiếu cơ sở sẵn có về quản trị, quy hoạch và quản lý. Bởi vậy, cách thể hiện của phương pháp này có thể mỗi nơi mỗi khác.

“Kết quả dự kiến của phương pháp tiếp cận từ-nguồn-tới-biển là xác định được những hành động phù hợp để ứng phó với các thay đổi trong các dòng chảy chính, tạo ra các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường”, SIWI nhìn nhận.

Với 6 bước thực hiện, các liên kết giữa các hệ sinh thái từ-nguồn-tới-biển và quan hệ giữa các ngành được cân nhắc để xác định và ưu tiên hóa các vấn đề cần được giải quyết xuyên suốt hệ thống từ “nguồn” tới “biển”. Cách tiếp cận bắt đầu từ việc hiểu rõ những áp lực và động lực của các dòng chảy chính đang có biến chuyển.

Cùng với việc lựa chọn một quy mô can thiệp hợp lý, sự tham gia của các bên liên quan (cả ở thượng và hạ nguồn) và hiểu biết cụ thể về bối cảnh quản trị sẽ hình thành cơ sở để xây dựng một lý thuyết thay đổi, giúp hướng dẫn việc lên kế hoạch và tổ chức thực hiện. Giám sát và quản lý có tính thích ứng bổ sung và khép kín quy trình và có thể được sử dụng để điều chỉnh lý thuyết thay đổi và đảm bảo sự cải thiện liên tục hướng đến các kết quả lâu dài.

Khâu nối xuyên suốt các mục tiêu PTBV

Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thống nhất 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Những mục tiêu này tạo nên một chương trình nghị sự tổng hợp và không thể chia cắt nhằm cân bằng các khía cạnh phát triển xã hội, kinh tế và môi trường.

Theo đại diện SIWI, lợi ích của quản lý từ nguồn tới biển là khâu nối xuyên suốt các Mục tiêu, đặc biệt ở “Mục tiêu 6: Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững tài nguyên nước và vệ sinh cho tất cả mọi người” và “Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển cho phát triển bền vững”, như đã được nhấn mạnh tại Hội nghị về Đại dương của Liên Hợp Quốc năm 2017 và Diễn đàn chính trị cấp cao năm 2018.

Điểm mạnh của phương pháp tiếp cận từ nguồn tới biển là khả năng tập trung vào các ưu tiên trên tất cả các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường của Chương trình nghị sự 2030 mở rộng. Sự cần thiết của một phương pháp tiếp cận từ-nguồn-tới-biển cũng được nhấn mạnh trong các chiến lược tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), trong các chiến lược hoạt động của Chương trình Môi trường LHQ, Chương trình Quản trị Nước và Đại dương của Chương trình Phát triển LHQ và Cơ quan Quản lý Nước và Biển của Thụy Điển; cũng như trong các tuyên bố cấp bộ/tài liệu kết quả từ Diễn đàn Nước thế giới và Hội nghị cấp cao Dushanbe năm 2018 Mục tiêu SDG 6.

Do vậy, các mối liên kết từ nguồn tới biển phải được công nhận và giải quyết một cách thỏa đáng như là một phần của quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững. Quản lý từ nguồn tới biển có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các mối liên kết giữa các mục tiêu khác nhau và các chỉ số của chúng được xem xét một cách trực tiếp. Việc này sẽ giúp cân bằng các nhu cầu thượng nguồn và hạ nguồn; đồng thời, đảm bảo cho các khoản đầu tư theo hướng đạt được một mục tiêu này không làm cản trở thành quả của Mục tiêu phát triển bền vững khác.

Thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo SIWI, Quản lý từ nguồn tới biển có tiềm năng lớn trong việc góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi mực nước biển tăng lên, chế độ thủy văn bị thay đổi và thành phần hóa học nước cũng có chuyển biến, những mối liên kết giữa các cấu phần của hệ thống từ nguồn tới biển trở nên rõ ràng hơn, nhu cầu giải quyết những thay đổi này từ góc nhìn rộng hơn cũng vì thế mà tăng lên.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát rác thải từ nguồn tới biển: Giải quyết thách thức trong phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO