Giám sát nguồn thải trên sông Nhuệ - Đáy

Linh Chi| 21/10/2020 16:02

(TN&MT) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Châu Giang, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trên các lưu vực sông triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trên lưu vực sông này

Xây dựng 5 trạm quan trắc online và 70 dự án, công trình

Một trong những giải pháp được Bộ chú trọng là việc đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu về chất lượng môi trường nước và các nguồn thải ra lưu vực. Đến nay, đã được xây dựng 5 trạm quan trắc online, trong đó có 1 trạm online tại sông Tô Lịch do thành phố Hà Nội đầu tư, 04 trạm tại Hà Nam và Nam Định. Phối hợp với địa phương tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn, thông báo kịp thời kết quả quan trắc để các cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng nguồn nước biết và chủ động kế hoạch sản xuất, sinh hoạt, tập trung vào các điểm từ hợp lưu sông Tô Lịch – sông Nhuệ, sông Nhuệ - sông Châu Giang tại Cống Thần xuống đến cầu Đập Phúc, qua Lý Nhân và vị trí chảy ra sông Hồng.

Bên cạnh đó, triển khai gần 70 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực như: các dự án nạo vét một số hồ, thuỷ vực; dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hoà Bình; tỉnh Hà Nam đã xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác tại xã Thanh Thuỷ; trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp Cầu Giát, 03 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho thành phố Phủ Lý; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và thành phố Hà Nội; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy… Đặc biệt, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, giá trị đầu tư gần 19.000 tỷ đồng với hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt hiện đại. Tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành khu xử lý chất thải rắn thung Quèn Khó, trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Gián Khẩu. Tỉnh Nam Định đã vận hành trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Hoà Xá, khu công nghiệp Bảo Minh, cụm công nghiệp An Xá; khắc phục ô nhiễm 01 làng nghề và cải tạo nâng cấp kênh T3-11.

Xử lý 43/45 cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải ra lưu vực. Tổ chức triển khai thống kê, điều tra nguồn nước thải xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Các nguồn nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp hầu hết có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đạt khoảng 75%; đối với các cụm công nghiệp cũng đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30% đối với lưu vực sông Nhuệ).

Trên hai lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ-sông Đáy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh trên lưu vực sông đã thanh tra và xử lý 528 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hành chính 33.703.900.000 đồng. Bộ Công an đã xử lý 357 vụ việc vi phạm về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 14.491.250.000 đồng.

Đến nay việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003, Bộ đã xử lý 43/ 45 cơ sở, đạt 95,55% số cong lại tỉnh Hà Nam đang xử lý; theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 Bộ đã xử lý 19/27 cơ sở, đạt 70,4%.

Một đoạn sông Nhuệ 

Xác định trách nhiệm của từng địa phương, chủ nguồn thải

Thời gian tới, Bộ sẽ ttiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có nguồn thải triển khai việc thu gom xử lý các nguồn thải trên địa bàn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; chủ trì, phối hợp với các địa phương trên lưu vực tiến hành quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và xử lý nghiêm theo quy định.

Tuy nhiên, vấn đề môi trường trên lưu vực sông chỉ có thể giải quyết triệt để khi có sự vào cuộc của quyết liệt nhiều bộ. Do đó, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ cơ chế mới trong tổ chức, điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường của lưu vực, trong đó sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, địa phương có nguồn thải chính; đặc biệt là vai trò của địa phương nơi quản lý các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ nguồn thải trên lưu vực.

Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; triền khai thực hiện các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu… UBND TP Hà Nội và các tỉnh còn lại trên lưu vực sông đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải đô thị, các khu cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trườngđặc biệt các hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát nguồn thải trên sông Nhuệ - Đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO