Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP cà phê Phúc Sinh Sơn La

Nguyễn Nga| 11/10/2022 13:28

(TN&MT) - Ngày 10/10, Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La do Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng làm Tổ trưởng đã triển khai giám sát tại Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê của Công ty Cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La.

Công ty Cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La là chủ đầu tư Dự án Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Công ty được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26/2/2018, được điều chỉnh tại Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 10/5/2019. Dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy xác nhận số 2085/GXN-UBND ngày 23/8/2019 về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của Dự án Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê (giai đoạn I).

2.jpg

Tổ công tác giám sát tại Khu vực xử lý nước thải của Công ty CP cà phê Phúc Sinh Sơn La.

Trước khi vào niên vụ, Sở TN&MT đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình bảo vệ môi trường và các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất niên vụ 2022-2023; nhất trí cho Công ty tiến hành các hoạt động chế biến cà phê quả tươi tại Nhà máy từ ngày 9/9/2022. Tiến hành niêm phong các đồng hồ đo lưu lượng nước phục vụ hoạt động sản xuất và bơm nước thải của Nhà máy.

Ông Vũ Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La cho biết: Niên vụ 2022-2023, Nhà máy bắt đầu hoạt động sản xuất chính thức từ ngày 10/9/2022; đến nay, đã thu mua gần 1.700 tấn cà phê quả tươi; công suất trung bình 65 tấn/ngày. Quá trình hoạt động, Công ty cam kết chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; tiến hành thu gom xử lý chất thải theo đúng quy trình, nước thải sau xử lý đảm bảo đúng quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.

Thời điểm giám sát, hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm (bể trung chuyển, bể lắng sơ bộ, bể điều hòa, bể keo tụ, bể tạo bông, bể lắng, bể trung gian…) đang hoạt động ổn định. Nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến cà phê được thu gom vào hồ kỵ khí HDPE 7.200m3, nước thải sau xử lý được dẫn vào hồ sinh học có lót bạt HDPE dung tích 1.000m3. Bã vỏ cà phê được tập kết tại bãi tập kết 5.000m2 bằng xe tải có phủ bạt di chuyển trên tuyến đường nội bộ của nhà máy, bã vỏ cà phê được phủ bạt bảo quản trên bãi. Tổ giám sát đã tiến hành lấy 2 mẫu nước thải để đánh giá chất lượng nước.

1.jpg

Tiến hành lấy mẫu nước thải để đánh giá chất lượng nước.

Trên cơ sở kết quả giám sát ngoài thực địa, Tổ giám sát yêu cầu Công ty Cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được phê duyệt. Tổ chức thu mua, chế biến cà phê tại Nhà máy theo đúng công suất đã đăng ký.

Vận hành hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải ra môi trường, trong mọi trường hợp không được phép xả nước thải sản xuất chưa xử lý ra môi trường gây ô nhiễm. Tổ chức thu gom bã vỏ cà phê, ủ phân vi sinh và thu gom nước rỉ vỏ cà phê theo đúng quy trình.

Cập nhật đầy đủ, thường xuyên các số liệu tại Nhật ký vận hành Hệ thống xử lý nước thải. Tiếp tục thực hiện truyền dữ liệu hình ảnh camera giám sát tại các khu vực xử lý chất thải về Sở TN&MT, UBND huyện Mai Sơn để thực hiện kiểm tra, giám sát.

Đặc biệt, hiện nay, công suất của Nhà máy còn thấp so với thiết kế, trong khi Công ty có dây chuyền sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý nước thải đầu tư đồng bộ. Tổ công tác khuyến nghị Công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, nâng hiệu quả sản xuất đạt từ 80-90% công suất, đáp ứng yêu cầu sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh; giảm thiểu việc sơ chế, chế biến tự phát trong nhân dân.

Cùng với đó, đề nghị UBND huyện Mai Sơn tăng cường nắm bắt thông tin của Công ty Phúc Sinh định kỳ hàng tháng, kịp thời báo cáo với Tổ công tác, UBND tỉnh khi có vấn đề phát sinh. Tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ với các cơ sở sơ chế nhỏ lẻ trên địa bàn huyện; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo về môi trường, nguồn nước.

Đề nghị UBND xã Chiềng Mung triển khai đúng, đầy đủ các văn bản, chủ trương của cấp tỉnh, huyện về công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động chế biến nông sản. Cử công chức thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, khả năng hoạt động của các đường ống dẫn nước thải, các đồng hồ đo lưu lượng nước thải của Nhà máy. Trường hợp có vấn đề phát sinh kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND huyện Mai Sơn, Tổ giám sát để giải quyết theo quy định.

Tổ công tác cũng xác định, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sơ chế nhỏ lẻ vẫn còn hiện hữu do sản lượng cà phê năm nay rất cao. Do đó, đề nghị Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn La xây dựng các phương án cấp nước dự phòng trong trường hợp mất nước cục bộ, đặt mục tiêu không để gián đoạn mất nước quá 2-3 tiếng đồng hồ. Hoàn thành trước ngày 17/10/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP cà phê Phúc Sinh Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO