Kinh tế

Giảm nghèo bền vững ở Văn Chấn (Yên Bái):Cần khơi dậy ý thức thoát nghèo

Thanh Ngà 28/08/2023 - 17:52

(TN&MT) – Trong thời gian qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn ở mức cao. Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới, phóng viên (PV) Báo TN&MT đã trao đổi với bà Lò Thị Thuý Nga – Phó Chủ tịch UBND huyện về vấn đề này.

z4628869199491_37e3fd4a93c68a4e73e5069b2797ba18.jpg
Bà Lò Thị Thuý Nga – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn

PV: Xin bà cho biết, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện được huyện quan tâm thực hiện như thế nào, đặc biệt các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững?

Bà Lò Thị Thuý Nga: Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Văn Chấn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành đoàn thể. Nhiều chính sách mới của Đảng, Nhà nước được triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực như: Việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nghèo và lao động là người dân tộc thiểu số...Đặc biệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ đó, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi và nhất là tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, hạn chế được tình trạng đói giáp hạt tại các xã vùng cao.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo từ huyện đến cơ sở đồng bộ, hiệu quả, huy động các nguồn lực, góp phần nâng cao nhận thức về mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của chương trình giảm nghèo. Từ đó, làm chuyển biến nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,67% so với năm 2021 xuống còn 16,07%; hộ cận nghèo giảm còn 6,42% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

PV: Trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo huyện đã gặp khó khăn ra sao? Thưa bà!

Bà Lò Thị Thuý Nga: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện cũng gặp những khó khăn nhất định, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của chương trình. Mặc dù đã có sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo, song Văn Chấn vẫn là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Một số hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất của một số bộ phận hộ nghèo, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; chưa tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế…

Mặt khác, việc hướng dẫn quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của các ngành còn chậm dẫn đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn gặp nhiều khó khăn.

z4631382578448_a419d4b0d0717c265ef8806831d2cb3c.jpg
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Văn Chấn hỗ trợ con giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế

PV: Thưa bà, với những khó khăn đó để hoàn thành kế hoạch giảm nghèo trong năm 2023 huyện đã và đang triển khai những giải pháp cụ thể như thế nào? Huyện có đề xuất, kiến nghị gì để hoàn thành kế hoạch đề ra?

Bà Lò Thị Thuý Nga: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể, phù hợp với thực trạng hộ nghèo và điều kiện thực tế của địa phương.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo hằng năm và giai đoạn. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành cấp trên. Từ đó, tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch trong lĩnh vực giảm nghèo đảm bảo đúng, đầy đủ và sát với thực tế địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo tới toàn thể cán bộ và nhân dân. Đặc biệt, cần tiếp tục tuyên truyền xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước của một số hộ hộ nghèo, người nghèo.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo; các dự án mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân. Huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo và UBND các xã, thị trấn trong việc triển khai các chính sách, dự án giảm nghèo để đảm bảo hiệu quả.

Mặt khác, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý thực hiện chương trình cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo của huyện và các xã, thị trấn. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện giúp đỡ về vật chất, các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, giúp đỡ các hộ nghèo về con giống, vật nuôi, thiết bị phục vụ sản xuất, các tài sản thiết yếu phục vụ sinh hoạt; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ tết. Đồng thời, vận động nhân dân sửa chữa và làm mới nhà ở cho hộ có khó khăn về nhà ở.

Huyện mong muốn sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các xã vùng cao; thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo trên cơ sở các chiều thiếu hụt dịch vụ như: Việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ tiếp cận thông tin; thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế nhằm nâng cao đời sống cho người dân.

PV : Xin trân trọng cảm ơn bà !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo bền vững ở Văn Chấn (Yên Bái): Cần khơi dậy ý thức thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO