Giải quyết phương án hỗ trợ tại bãi rác Nam Sơn trước Tết Âm lịch

Theo Chinhphu.vn | 30/10/2020 19:03

Tại cuộc đối thoại với người dân huyện Sóc Sơn, lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các phần việc, ai không làm sẽ bị xử lý nghiêm; rút kinh nghiệm ngay trong việc chậm trễ thực hiện chính sách... để những vướng mắc sẽ được giải quyết, bảo đảm tốt nhất đời sống người dân theo đúng quy định của pháp luật, cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch về phương án hỗ trợ đền bù, bảo đảm đời sống của người dân.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 30/10, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) liên quan đến vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Bất cập trong chính sách đền bù

14 ý kiến của người dân tại buổi đối thoại đều liên quan đến giá giải phóng mặt bằng, không bằng lòng giá đền bù giá hiện tại và vấn đề ảnh hưởng của bãi rác đến môi trường sống.

Bất cập trong chính sách đền bù là điểm được nhiều người dân nêu tại buổi đối thoại. Ông Nguyễn Văn Thắng, xã Bắc Sơn bày tỏ không bằng lòng với giá đền bù giải phóng mặt bằng. Gia đình ông có đất thổ cư, theo vận động đã đồng thuận lấy tiền theo diện đất trợ giá nhưng giá đến bù 10.500 đồng/m2 là không thỏa đáng.

Dù bày tỏ phấn khởi trước những giải pháp hỗ trợ người dân trong thời gian qua, song ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn vẫn cho rằng mức hỗ trợ người dân còn quá thấp so với những thiệt hại của người dân trong 21 năm qua. Theo ông Hùng, ít nhất phải có giá bồi thường 10.000 đồng/người/ngày.

“Chúng tôi mong muốn được di dân nhanh chóng. Con cháu chúng tôi sống ngay “núi” rác rất khổ sở. Đã khảo sát điều tra xong 3 năm nay thì cần lập, phê duyệt phương án đền bù ngay cho người dân. Cứ kiểm tra đi kiểm tra lại đến bao giờ”, ông chia sẻ.

Về đất tái định cư, ông Hùng kiến nghị dùng chính sách đặc thù “đất đổi đất cho dân”, đề nghị đổi theo định mức không vượt quá 240 m2/hộ, còn đâu quy đổi thành tiền cho dân. Ngoài ra, giải quyết gấp việc hỗ trợ tiền gạo ăn những người mất ruộng theo quy định.

Người dân nêu ý kiến tại buổi đối thoại - Ảnh: VGP/Gia Huy

Bất cập giữa chính sách và thực tế   

Ông Hoàng Văn Đức, xã Nam Sơn nêu, năm 2016, người dân đối thoại với Chủ tịch Thành phố Hà Nội tại xã Nam Sơn. Chủ tịch Thành phố hứa với người dân năm 2018 giải quyết xong các vấn đề. Đến năm 2019, theo biên bản họp tháng 2/2019 tiếp tục cho biết đến quý II/2019 giải quyết xong. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

"Qua bao nhiêu lần hứa và nhiều lần người dân chặn xe, bây giờ cuối năm 2020 vẫn chưa giải quyết xong", ông Đức nói.

Người dân cũng chia sẻ, mặc dù họ nhận thức được việc chặn xe rác là vi phạm pháp luật nhưng chỉ chặn những xe gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị Thành phố có kế hoạch phân rác từ gốc, giảm độc hại ra môi trường cho người dân.

Người dân nêu ý kiến cho rằng, chính sách đền bù quá chênh lệch khi đất ở, đất liền kề cùng chung một giá và chỉ mong khi đi tái định cư không được hơn thì cũng được bằng số đất cũ.

Cử 30 cán bộ xuống làm việc cùng huyện về chính sách đền bù

Tiếp thu ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhắc lại: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP là vận dụng tối đa cho bà con. Với chính sách, cơ chế còn bất cập, TP sẽ khắc phục ngay, những vấn đề vượt thẩm quyền, TP sẽ báo cáo Trung ương để khắc phục sớm nhất”.

Phó Chủ tịch UBND TP giao giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong công khai, minh bạch quy trình xử lý rác để người dân biết; hằng ngày tổ chức quan trắc, kiểm tra, đề xuất giải pháp biện pháp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người sống người dân. “Bận đến mấy, hằng ngày cũng phải xuống khu xử lý kiểm tra. Việc xử lý rác phải đúng quy trình, không được để xảy ra các sự cố rỏ rỉ, thẩm thấu ra môi trường”, ông Hùng giao nhiệm vụ.

Thông tin đến người dân, ông Hùng cho biết trong cuộc họp Thường trực Thành ủy sáng nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị phải thực hiện khẩn trương các phần việc. Ai không làm sẽ bị xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu huyện Sóc Sơn tổng hợp các chính sách hỗ trợ người dân, công khai minh bạch để người dân biết. Về việc tái định cư, Thành phố sẽ bảo đảm người dân đều có đất để ở. Thành phố cũng điều chỉnh chính sách hỗ trợ thêm cho bà con, ngoài hạn mức đất ở, đất nông nghiệp được hỗ trợ thêm 500.000 đồng…

Khẳng định hộ dân nào có sổ đỏ” đều sẽ được đền bù, Phó Chủ tịch UBDN TP. Hà Nội cho biết TP đang thanh tra hơn 178 “sổ đỏ” ở khu vực 3 xã. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ có có 3 “sổ đỏ” hợp pháp, hơn 100 “sổ đỏ” không hề có hồ sơ…

“Một số trường hợp nhận đền bù rồi nhưng sau kiểm tra “sổ đỏ” không đúng, Thành phố cũng chỉ yêu cầu tự khắc phục, trả lại tiền số đất không đúng”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói thêm.

Liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ di dân trong bán kính 500 m, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết khi kiểm đếm và tính toán, có một số hộ dân, tiền đền bù đất ở không đủ để nhận được suất đất tái định cư. Với các trường hợp này, Thành phố sẽ hỗ trợ để bảo đảm người dân được nhận đất tái định cư.

 “Ngay tuần sau, Sở Tài nguyên và Môi trường cử 30 cán bộ xuống cùng huyện để lập phương án đền bù hỗ trợ nhanh nhất. Cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch để bảo đảm đời sống của người dân”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong muốn người dân chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền để thực hiện nhanh nhất các chính sách hỗ trợ.

“Sớm đưa bà con ra khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 500 m là chủ trương rất nhân văn, vừa là mong muốn của người dân vừa là mục đích của chính quyền nhưng thực hiện còn chậm là chưa được. Thành phố đã có tổ công tác, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các phần việc như Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu”, Phó Bí thư Thảnh ủy nhấn mạnh.

Chia sẻ ngay sau cuộc đối thoại, ông Phạm Xuân Sơn, hộ dân có nhà cách khu xử lý rác 100 m phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi hiểu chặn xe rác là sai pháp luật. Chúng tôi cũng mong nhân dân thông cảm khi rác ùn ứ. Tôi cảm thấy rất yên tâm trước những trả lời của lãnh đạo TP để đẩy nhanh tiến độ. Như thế này, chắc chắn người dân sẽ được sớm di dời ra khỏi khu ảnh hưởng bởi khu xử lý rác”.

Trao đổi bên lề hội nghị đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết Thành phố đã xử lý hơn 50 xe chở rác làm rơi nước ra đường.

Về ý kiến rằng tại sao Hà Nội không chọn lựa công nghệ xử lý rác tiên tiến hơn, Phó Bí thư Thành ủy thông tin, Thành phố đã triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện ở khu xử lý rác Nam Sơn với công suất 4000 tấn/ngày đêm và một số dự án đốt rác phát điện ở các khu vực khác. Dự kiến, đến năm 2025, Hà Nội sẽ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, không dùng cách thức chôn lấp.

Phó Bí thư Thành ủy cũng nêu rõ, không có chuyện cùng một dự án có 2 chính sách bồi thường mà theo từng giai đoạn của dự án, việc đền bù phải tuân theo những chính sách mới có hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết phương án hỗ trợ tại bãi rác Nam Sơn trước Tết Âm lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO