Giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Cần thêm sự quyết liệt của ngành giao thông

29/03/2019 23:31

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội không khí sạch Việt Nam trước diễn biến chất lượng không khí ở Hà Nội những ngày gần đây ở ngưỡng kém và xấu. Thậm chí, tình trạng trời mù còn kéo dài tới đầu giờ chiều.Số liệu quan trắc trực tiếp của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thành phố Hà Nội) vào thời điểm 15 giờ ngày 28/3 cho thấy toàn bộ khu vực nội thành Hà Nội đều ở mức độ báo động màu cam. Đây là mức độ không khí có chất lượng kém, người già, trẻ em và những người mắc bệnh hô hấp (nhóm nhạy cảm) cần hạn chế ra ngoài. Hiện tượng trời mù ở Hà Nội hiện nay cũng đã xảy ra vào thời điểm cuối tháng 1/2019 khi ô nhiễm không khí ở Thủ đô lên đến mức cao, ở ngưỡng xấu và nguy hại tới sức khỏe.

r
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường

Theo ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xe máy và các phương tiện khác cùng với khí thải công nghiệp, sinh hoạt đã tạo nên sức ép cho không khí, khiến cho ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao. Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự chung tay của các Bộ, ngành, liên quan đặc biệt là ngành Giao thông Vận tải.

Ông Tùng cho rằng, hiện nay cứ nhắc đến ô nhiễm là mọi người lại đổ lỗi cho ngành tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại rằng, ô nhiễm không khí ở đô thị phần lớn là do các phương tiện giao thông. Ô tô, xe máy chiếm 60% khí thải ra môi trường trong khi đó chúng ta lại chưa kiểm soát được lượng khí thải này. Mặc dù, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đã đưa ra lộ trình kiểm soát khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông nhưng đến nay lộ trình này vẫn chưa triển khai được; vẫn còn thiếu chương trình hạn chế xe máy trong khi đó xe máy đang là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, hiện có trên 5,25 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký), đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố. Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Đây là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội do chưa được kiểm soát khí thải. Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng, với hàm lượng bụi lơ lửng ven đường tại các thành phố lớn vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt, mức độ phơi nhiễm của người tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cũng vượt giới hạn cho phép 2-3 lần... Xe máy chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxít (CO); 57% ôxít nitơ (NOx)...

r
Xxe máy là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Hiện Bộ TN&MT cũng như UBND TP Hà Nội đang  nỗ lực để cải thiện ô nhiễm không khí. UBND TP Hà Nội đã đầu tư mạng lưới quan trắc tự động. Đến năm 2018, Hà Nội hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc không khí lưu động; 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu Tài nguyên và Môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác. Số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h; công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện khác nhau để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực sinh sống. Ngoài giải pháp trên, để xử lý ô nhiễm không khí, thành phố thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh;  hỗ trợ người dân giảm sử dụng than tổ ong tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng than tổ ong để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.

Bộ TN&MT nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng cũng đã phối hợp với TP Hà Nội hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô. Hỗ trợ TP Hà Nội về vấn đề chuyên môn nghiệp vụ để cập nhật thông tin và đầu tư đồng bộ hệ thống quan trắc.  Bên cạnh đó,  tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải, cơ sở ô nhiễm. Tổng cục Môi trường đã đề ra nhiều hành động không chỉ cho Hà Nội mà ở tầm quốc gia…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn gia tăng nếu như chúng ta không kiểm soát được chất lượng nhiên liệu, khí thải từ giao thông, bụi từ các công trình xây dựng, nguồn thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp nằm ở khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận, việc đun than tổ ong và đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch… “Chúng ta cố gắng nhưng vẫn chưa đủ. Giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng trước mắt nên tập trung vào nguồn giao thông”  – ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Cần thêm sự quyết liệt của ngành giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO