Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng xanh?

Linh Chi| 14/10/2021 09:48

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, Do đó, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Việt Nam sớm xây dựng định hướng tăng trưởng xanh

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2012, tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa nhằm bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Vấn đề giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được đặt ra thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững…

Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Sau khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, gồm 12 nhóm hoạt động với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương, bao gồm 8 hoạt động; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với 20 hoạt động theo 4 nhóm; thực hiện xanh hóa sản xuất với 25 hoạt động theo 4 nhóm; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững với 13 hoạt động theo 2 nhóm.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050". Trong đó, đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới… Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%...

Còn thiếu các nhóm giải pháp cụ thể

Mặc dù những quyết sách đã được ban hành hàng chục năm nay nhưng việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở Bộ, ngành và địa phương. Theo kết quả khảo sát, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 Bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các dự án mà các Bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, vẫn còn có sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương đang đối mặt với không ít thách thức, do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Do đó, để đạt được các mục tiêu và định hướng phát triển mà “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" đề ra, cần sớm ban hành Bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh. Xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính (bao gồm: thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân chuẩn bị và thực hiện dự án tăng trưởng xanh.

TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm - Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh các giải pháp nêu trên, cần nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh. Cùng với đó, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng xanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO