Giải bài toán thiếu nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Chà, Điện Biên

Hoàng Châu - Phạm Huế | 07/09/2021, 20:06

(TN&MT) - Thiếu nước sinh hoạt là thực trạng diễn ra khá phổ biến tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cũng chung thực trạng này, nhiều xã, bản của huyện Mường Chà, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS phải đối mặt với thực trạng thiếu nước sinh hoạt.

Một số xã vùng cao như: Sá Tổng, Hừa Ngài, Huổi Mí… người dân thường xuyên phải sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, trong khi đó vì nhiều lý do, nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, được xây dựng nhưng không phát huy hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Đồng bào vẫn thiếu nước sinh hoạt 

Huyện miền núi Mường Chà chủ yếu là đồng bào DTTS, bà con sinh sống không tập trung nên thực trạng thiếu nước sinh hoạt thực sự là một vấn đề khó khăn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Mường Chà có khoảng hơn 200 công trình nước sinh hoạt tập trung, những năm trước đây, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn của huyện Mường Chà có nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp.

Đến nay, tỷ lệ này đã được nâng lên với hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng. Những kết quả trên cho thấy hiệu quả thiết thực từ các chương trình hỗ trợ, đầu tư, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung cũng như nước phân tán cho nhân dân vùng nông thôn nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.

Bản Dế Da, xã Sá Tổng được Nhà nước đầu tư bể nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc của bản sử dụng. Tuy nhiên, ý thức người dân trong việc vận hành các công trình này còn rất kém, nên tuổi thọ công trình thường không cao.

Cứ vào mùa khô hàng năm, gia đình anh Vàng A Ly, bản Trung Ghênh, xã Sá Tổng  cũng như 53 hộ dân sinh sống trong bản hàng ngày đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 3. Cao điểm nhất là những tháng sau Tết Nguyên đán, người dân bản Trung Ghênh phải đi gùi nước rất xa, cách gần chục cây số.

Hiện tại, mừa mưa vừa kết thúc, nên gia đình và dân bản còn tận dụng nước mưa ở các phi chứa nước và mạch nước khe suối chưa bị cạn kiệt, nên nước dùng trong sinh hoạt chưa khan hiếm lắm.  Nước thực sự khan hiếm bắt đầu khoảng tháng giêng. Chính vì thế, mong muốn có đủ nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày không chỉ riêng anh Ly mà còn của rất nhiều hộ dân sinh sống tại đây.

Ông Giàng A Và, Chủ tịch UBND xã Sá Tổng, huyện Mường Chà, cho biết: Trên địa bàn xã còn rất nhiều bản rơi vào thực trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt là các bản gần trung tâm xã.

Tuy nhiên, các công trình nước sinh hoạt sau khi đầu tư chỉ được một thời gian ngắn đều không phát huy hiệu quả. Các bể chứa không có nước, một số công trình hư hỏng đường ống, bể chứa nước bị phá vỡ. Hàng ngày bà con trong bản phải đi lấy nước mó về sử dụng. Nhiều gia đình phải tự đầu tư hàng triệu đồng đi mua ống nhựa rồi lên đầu nguồn nước đấu nối dẫn nước về sử dụng.

Nguyên nhân khiến nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung bị xuống cấp là do sử dụng đã lâu mà không được bảo dưỡng, sửa chữa vì không có kinh phí; một số công trình do ảnh hưởng mưa lũ, ống nước bị bục vỡ, hư hỏng; bể lọc, bể chứa rò rỉ nước. Bên cạnh đó, đối với một số công trình, do yếu kém trong khâu khảo sát nguồn nước dẫn đến khong đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là vào mùa khô. Vì vậy, có công trình mới đưa vào sử dụng dù chưa bị hư hỏng nhưng không đủ nước.

Giải pháp đưa nước sinh hoạt về cho dân

Để giải quyết bài toán nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2003, xã Sá Tổng được nhà nước đầu tư xây dựng cho mỗi bản từ 1 - 2 bể nước sinh hoạt. Tuy nhiên, các công trình nước sinh hoạt sau khi đầu tư chỉ được một thời gian ngắn đều không phát huy hiệu quả. Nguyên do là bởi nguồn nước từ đầu mối cung cấp rất thiếu, các bể nước phần lớn đều thiết kế vị trí đặt ở trên cao nước không đẩy lên được.

Không riêng gì Sá Tổng, những năm gần đây người dân ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Mường Chà, có một số bản cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ông Mùa A Dùng, Chủ tịch UBND xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, cho biết: Vào mùa khô, rất nhiều bản vùng cao người dân thiếu nước sinh hoạt. Những năm qua, mỗi bản đã được đầu tư 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, nhưng hầu hết các công trình này không phát huy hiệu quả, do nước đầu nguồn rất ít; một số công trình hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Bể không có nước, người dân phải bỏ tiền túi mua ống nhựa tự kéo nước trên núi về, tự xây bể chứa nước để sinh hoạt.

Những bể nước công cộng này đã giúp người dân không phải lo lắng thiếu nước sinh hoạt.

Mặt khác, hầu hết các công trình nước sạch của tỉnh đều chưa có đơn vị nào ban hành quy chế vận hành sau đầu tư; có công trình mới chỉ giao cho một nhóm người không có chuyên môn quản lý. Đây chính là điểm yếu về công tác quản lý nhà nước đối với các công trình nước sạch sau đầu tư ở Mường Chà, dẫn tới tình trạng công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không được quan tâm, chú trọng nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Những yếu kém, hạn chế đó không chỉ làm cản trở tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường ở huyện Mường Chà, mà còn gây bức xúc trong dân.

Cung cấp đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các cụm dân cư, trường học, trạm y tế, công sở, các khu dịch vụ công cộng là một trong nhiều mục tiêu quốc gia khi xây dựng nông thôn mới phải thực hiện. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các công trình đưa nước về bản cho người dân, thì huyện Mường Chà cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng của các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, nghiên cứu xây dựng điểm các tổ chức quản lý, với đội ngũ vận hành công trình có trình độ tay nghề, có kỹ năng sửa chữa, bảo dưỡng.

Có thể thấy, cấp nước sinh hoạt đã được đồng bào hưởng ứng và tham gia tích cực; nguồn nước được đảm bảo hơn, ý thức bảo vệ nguồn nước được nâng cao, nước được sử dụng hợp lý và tiết kiệm.

Bài và ảnh: Hoàng Châu - Phạm Huế

Bài liên quan
  • Điện Biên: “Báo động” thiếu nước sinh hoạt vùng nông thôn
    (TN&MT) - Tỉnh Điện Biên có số lượng công trình nước sinh hoạt tập trung rất lớn, tuy nhiên, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu nước, nhất là vào mùa khô. Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn tỉnh Điện Biên thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch ở mức “báo động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO