Dân tộc thiểu số

Giấc mơ bên dòng Nậm Cướm

Đình Tiệp 15:52 31/07/2023

Dòng suối Nậm Cướm hiền hòa chảy dưới cái nắng gắt của tháng 7 nơi miền Tây xứ Nghệ. Từng đàn cá mát, cá láu... tung tăng bơi lượn dưới lòng suối khiến cho những vị khách lạ mê hoặc, lưu luyến chẳng muốn rời vùng đất này. Giấc mơ về một mô hình du lịch sinh thái chắc sẽ thành hiện thực nay mai... 

“Thủ phủ” cá mát

Suối Nậm Cướm bắt nguồn từ nhiều nhánh nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Dãy Pù Huống (dịch ra là núi lớn) đứng sừng sững là tên gọi chung và là biểu tượng của cả một vùng rộng lớn kéo dài, giáp ranh giữa các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Tương Dương (Nghệ An).

Suối Cướm, đoạn chảy qua xã Diên Lãm (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) dài hàng chục ki lô mét. Từ xưa đến nay, con suối này được coi là nơi sinh sống của của cá mát cũng như nhiều loại cá khác. Suối còn là nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, là nơi cung cấp thực phẩm nuôi dưỡng đồng bào nơi đây.

anh-2.jpg
anh-1.jpg
UBND xã Diên Lãm cắm biển cấm đánh bắt cá.

Đi bộ dọc suối Nậm Cướm trong một trưa cuối tháng 7/2023, tôi tình cờ gặp được những người dân bản Cướm vào suối để tắm mát. Ông Lộc Văn Cảnh, người bản Cướm kể lại rằng, bản Cướm là bản cuối cùng của xã, nằm giáp ranh với vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Trước đây, cuộc sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào việc bắt cá mát và nhiều loại cá khác ở suối Nậm Cướm, khai thác gỗ cũng như thu hái sản vật của rừng núi. Ông Cảnh sau đó kể cho tôi nghe thói quen ăn, di chuyển, chu kỳ sinh nở, các món ăn chế biến từ cá mát – loại cá đặc sản ở vùng đất Diên Lãm.

“Cá mát có 2 thỏi trứng hai bên lườn, trứng nhỏ như hạt kê. Cá đẻ mỗi năm 1 lứa vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, mỗi lần đẻ trứng nở cả ngàn con. Cá lớn nhanh, 6 tháng tuổi đã bằng ngón tay cái. Nếu được bảo vệ tốt, cá có thể lớn trên nửa cân 1 con. Cá mát chỉ ăn rong, rêu nên rất sạch. Hàm dưới cứng, sắc nên khi ăn, cá chỉ cần lượn mình sát các hòn đá ở dưới dòng nước chảy, cạp mạnh khiến cho đá suối có nhiều vết nhỏ màu trắng. Cá mát còn có đặc điểm là hay ở vùng nước chảy xiết, nếu trời nắng quan sát sẽ thấy từng đàn cá đi kiếm ăn, lượn lờ lấp lánh ánh bạc...” – Ông Cảnh, nói về đàn cá mát.

anh-3(1).jpg
Những hình ảnh bắt cá tự do như trước nay đã không còn.

Người Thái chế biến cá mát thơm ngon nức tiếng, có thể kể đến là món nướng giòn chấm chẻo muối ớt mạc khẻn – tức muối trắng, ớt cay xanh và mạc khẻn (tiêu rừng) rang lên cho thật thơm rồi giã nhuyễn. Ngoài ra còn chế biến món canh rau rừng như rau giún với cá mát để nguyên ruột, ăn món này có vị đắng ngọt rất đặc trưng. Ngoài ra, người Thái cũng thường chế biến món “hỏ mọc” hoặc “hỏ cà nạp” truyền thống của đồng bào các huyện vùng cao. Các loại “hỏ mọc”, “hỏ cà nạp” cá mát là những món đặc sản chỉ có ở các ngày lễ, tết truyền thống của đồng bào vùng cao nơi đây.

Thế nhưng, do những năm trước người dân đánh bắt quá mức theo hình thức “tận diệt” bằng các phương tiện như kích điện hoặc nổ mìn khiến cho cá mát, cá láu và nhiều loại cá khác ở suối Nậm Cướm gần như cạn kiệt, hệ sinh thái bị mất cân bằng. Người dân trong bản muốn xuống suối kiếm cá mát cũng như một số loại cá khác cũng trở nên rất khó khăn…

Chuyến thăm quan đặc biệt

Anh Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Diên Lãm kể rằng, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là loại cá mát trong những năm gần đây, phía Đảng ủy, chính quyền rất “sốt ruột”, trăn trở. Trong lúc ấy, một số xã của huyện Tương Dương có xây dựng mô hình, đề án bảo tồn cá mát và các loại cá khác. Các mô hình, đề án của họ rất thành công giúp khôi phục, bảo tồn được các loại cá đặc sản và còn mang lại nhiều lợi ích khác như mang lại nguồn thu cho xóm bản, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và còn có thể hướng tới làm...du lịch sinh thái cộng đồng.

anh-4.jpg
Nhiều người đến ngắm đàn cá suối Nậm Cướm.

Nghe thông tin ấy, Bí thư Đảng ủy xã Lang Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng cùng đoàn cán bộ xã và một số Bí thư Chi bộ bản, trưởng, phó bản...đã có chuyến thăm thực tế đề án bảo tồn cá mát ở xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương).

“Mô hình bảo tồn cá mát ở xã Tam Hợp làm từ nhiều năm trước và giờ đã đạt được những hiệu quả nhất định. Khi đoàn công tác của xã Diên Lãm sang thăm, chúng tôi rất ngỡ ngàng trước mô hình của họ. Họ làm khá bài bản, nghiêm túc nên hiệu quả là đúng thôi. Đàn cá mát nói riêng và các loại thủy sản khác phát triển rất nhanh, suối Chà Lạp nơi họ triển khai dự án rất trong xanh, hiền hòa. Hiện, họ cũng đang hướng đến du lịch trải nghiệm từ những cảnh quan địa phương sẵn có. Chúng tôi thấy mô hình của họ hay, rất nên nghiên cứu, học tập...” – anh Nguyễn Văn Dũng, hào hứng kể về chuyến thăm quan mô hình ở Tam Hợp.

anh-5.jpg
Đàn cá mát và nhiều loài cá khác dưới suối Nậm Cướm ngày càng sinh sôi, phát triển.

Không chần chừ, công tác xây dựng đề án ngay lập tức được lãnh đạo xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn bắt tay “chắp bút”. Đến tháng 11 năm 2022, HĐND xã Diên Lãm đã thông qua đề án bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm.

Theo đó, Đề án nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Diên Lãm sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Đối với các hộ dân trong địa bàn xã, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như: dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tất cả các khu vực trên đều được cắm biển báo cho người dân được biết.

“Giấc mơ” làm du lịch sinh thái

Ông Lữ Văn Huê – Bí thư Chi bộ bản Cướm kể lại, ngoài việc người dân trong xã khai thác quá mức làm cho nguồn cá cạn kiệt thì một thời gian dài, người ngoài địa phương cũng tràn vào địa bàn để bắt cá. Phương tiện đánh bắt đủ loại, lưới chài, bắt tay, thậm chí xung điện, mạnh ai người đó săn bắt. Tuy đề án ra đời, nhưng ban đầu nhận thức người dân vẫn còn hạn chế, tư duy khai thác tự phát còn cao. Lúc đầu thực hiện đề án, nhiều người không hiểu đã chống đối, sau những nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí có các chế tài mạnh tay, nhận thức người dân dần thay đổi.

Sau gần 1 năm thực hiện đề án, hiện nay, người dân trên địa bàn đã tự giám sát và đẩy đuổi những người ở địa phương khác đến đánh bắt cá. Đàn cá mát và các loại cá khác theo dòng nước lại về trên dòng suối Nậm Cướm sinh sôi. Dọc suối Nậm Cướm những đoạn cấm đánh bắt cá phát triển rất nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước có hàng chục con cá. Không những cá mát mà các loại cá láu, pộp, chạch suối… cũng hồi sinh, sống chiếm lĩnh nhiều hang, ngách đá dọc bờ suối.

Giữa trưa, đứng trên cầu treo bản Cướm nhìn xuống suối, dưới dòng nước suối trong xanh, hàng đàn cá mát, cá láu đang ngược dòng như những con thoi lật mình cạp rêu đá ngửa bụng trắng phau, lấp lánh ánh bạc giữa dòng nước trong veo, nhìn rất vui mắt, thú vị.

anh-8.jpg
Chính quyền và người dân luôn sâu sát trong việc kiểm tra dòng suối, tránh việc cá bị bắt trộm.

Ông Lô Văn Xoan, có quán tạp hóa và nhà ở ngay sát bờ suối Nậm Cướm vui mừng, cho biết: “Từ ngày đàn cá được bảo tồn, cấm đánh bắt, đến nay suối đã có nhiều cá trở lại. Buổi trưa và buổi chiều tôi hay ngồi trên bờ ngắm từng đàn cá bơi lượn rất vui mắt. Đề án bảo tồn cá của xã đúng là một chủ trương đúng đắn, người dân chúng tôi ai cũng đồng tình ủng hộ”.

Trò chuyện với chúng tôi trên cây cầu treo của bản, anh Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch xã Diên Lãm nhìn đàn cá bơi lượn phấn khởi, nói: Nơi đây, cá mát và các loại cá ngày càng nhiều, cuối buổi chiều nhiều người trong bản ra đây vui chơi và để ngắm cá. Những ngày đẹp trời người dân ở các xã lân cận, nhất là các bạn trẻ thường đi cả chục cây số chỉ để “phượt” vào ngắm cá mát trên dòng suối nậm Cướm.

anh-7.jpg
Suối Nậm Cướm sẽ là "điểm nhấn" để xã Diên Lãm phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trong tương lai không xa.

“Chúng tôi đang chờ đàn cá phát triển lớn thêm, nhiều thêm. Sau đó, sẽ nghiên cứu một khúc suối có địa hình đẹp, dài khoảng 500-600m để xây dựng một số chòi nghỉ chân và phục vụ một số dịch vụ ăn uống để thu hút khách ở các nơi đến du lịch trải nghiệm. Mô hình bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát suối Nặm Cướm gắn với du lịch sinh thái cộng đồng xã Diên Lãm hy vọng sẽ làm đổi thay bộ mặt xã nghèo này” – Anh Lang Văn Đông – Bí thư Đảng ủy xã Diên Lãm, nói lên ý tưởng táo bạo của xã nhà trong tương lai gần.

Nhìn dòng suối Nậm Cướm hiền hòa chảy, cái nắng gắt của tháng 7 miền Tây xứ Nghệ như càng làm cho dòng suối thêm phần trong xanh, thơ mộng. Từng đàn cá mát tung tăng bơi lượn dưới lòng suối làm mê hoặc những vị khách phương xa. Và, chúng tôi sẽ trở lại suối Nậm Cướm để chứng kiến những nét đổi thay tích cực, những niềm vui mới như ý tưởng và mong mỏi của chính quyền và người dân nơi xã nghèo vùng cao này.

Bài liên quan
  • Ánh điện về với bản xa
    (TN&MT) - Những ngày này, niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân bản Đôm, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) là điện lưới quốc gia đã về tới bản làng. Ánh điện đã thắp sáng vùng núi rừng heo hút, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày một ấm no, khởi sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO