Gia Lâm - Hà Nội: Trạm trộn bê tông không phép vô tư hoạt động dưới chân cầu Thanh Trì

Huy An| 09/12/2021 09:37

(TN&MT) - Mặc dù không có giấy phép nhưng nhiều năm qua trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Trọng Phụng nằm dưới chân cầu Thanh Trì, thuộc địa bàn xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cư trú xung quanh.

Trạm trộn bê tông không phép vô tư hoạt động dưới chân cầu Thanh Trì

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tại khu vực ngoài đê giáp với cầu Thanh Trì thuộc thôn 1, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cho thấy, một trạm trộn bê tông quy mô lớn được xây dựng ngay trên vùng đất hành lang an toàn bảo vệ tuyến đường đê Đông Dư - Bát Tràng. Không dừng lại ở đó quanh khu vực này còn rất nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng, cát, đá chất cao như núi trực chờ để đưa vào sản xuất bê tông.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết để thuận tiện cho việc điều hành sản xuất, cũng như giao dịch kinh doanh, mua bán bê tông cho khách hàng là các công trường xây dựng trên địa bàn huyện Gia Lâm, quận Long Biên và các quận, huyện lân cận, Công ty Cổ phần Trọng Phụng còn đầu tư xây dựng khu nhà ở văn phòng, thậm chí dựng thêm nhiều kho xưởng kiên cố gần trụ cầu Thanh Trì thuộc hành lang an toàn cầu đường bộ.

Người dân nơi đây cho biết, hàng ngày phải sống chung với các đoàn xe quá tải, xe trộn bê tông hoành hành suốt ngày đêm. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và đời sống người dân, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông...

Nhiều năm qua dù không có hợp đồng thuê đất, nhưng Công ty Cổ phần Trọng Phụng vẫn ung dung sử dụng hơn 2500 m2 đất

Mỗi khi trạm trộn bê tông tại đây hoạt động là gây ra tiếng ồn lớn, không những thế, những chiếc xe tải, xe bồn chở bê tông với trọng lượng hàng chục tấn chạy đi chạy lại tấp nập, khiến cho đoạn đường phải “oằn mình” gánh chịu sự nhếch nhác bụi bẩn. Bên cạnh việc gây ô nhiễm, trạm trộn này còn không có trong quy hoạch, ngang nhiên xả thải ra môi trường. Mặc dù người dân đã phản ánh nhiều lần lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì cho đến nay trạm trộn bê tông vẫn vô tư hoạt động.

Ông Tống Việt Trung - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trọng Phụng thừa nhận: Trạm trộn bê tông của Công ty tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Theo ông Tống Việt Trung, năm 2002 dự án Cầu Thanh Trì bắt đầu được khởi công xây dựng, sau khi hoàn thành Công ty Cổ phần Trọng Phụng là đơn vị kế thừa doanh nghiệp thi công cầu và tổ chức sản xuất kinh doanh tại đây từ đó cho đến nay.

Ngoài việc cung cấp bê tông cho các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Trọng Phụng còn sản xuất thêm thảm Asphalt. Tuy vậy, do quá trình hoạt động gây ô nhiễm trường nghiêm trọng, đặc biệt là người dân sống xung quanh quyết liệt phản đối, nên Công ty buộc phải dừng sản xuất dây tuyền thảm Asphalt.

Vì sao gần 20 năm Công ty Trọng Phụng vi phạm đất đai, sản xuất bê tông không phép, nhưng không được chính quyền sở tại giải quyết dứt điểm?

Khi phóng viên đặt câu hỏi vậy gần 20 năm qua Công ty Cổ phần Trọng Phụng có được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký Hợp đồng thuê đất? Ông Tống Việt Trung cho biết, hiện tại toàn bộ số diện tích hơn 2.500 m2 đất do Công ty quản lý tại khu vực này vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho thuê.

Trao đổi làm rõ vấn đề sử dụng đất của Công ty Cổ phần Trọng Phụng tại khu vực chân cầu Thanh Trì với UBND huyện Gia Lâm, bà Lê Tuyết Mai - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc Công ty Cổ phần Trọng Phụng sử dụng 2500 m2 đất tại địa bàn thôn 1, xã Đông Dư là vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai, bởi tại khu vực nói trên chưa được đơn vị Sở, ngành nào cho phép giao đất. Để xử lý vấn đề này, UBND huyện Gia Lâm đã có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng ban chức năng phối hợp với UBND xã Đông Dư tham mưu ra quyết định cưỡng chế, giải tỏa vị trí đất vi phạm.

Nói về vi phạm về môi trường của Công ty Cổ phần Trọng Phụng, bà Mai cho hay, đơn vị này sản xuất bê tông hoàn toàn không có giấy phép hoạt động. Theo phản ánh của người dân ngày 29/11/2021 UBND huyện Gia Lâm có Văn bản số 4232/UBND - TN&MT. Cụ thể, một trong những nội dung văn bản yêu cầu: “Công ty Cổ phần Trọng Phụng chấm dứt ngay hoạt động trạm trộn bê tông, tự tháo dỡ trang thiết bị, máy móc, di dời vật liệu xây dựng ra khỏi khu đất nói trên”.

Đến đây dư luật đặt câu hỏi vì sao gần 20 năm qua Công ty Cổ phần Trọng Phụng vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai, hoạt động sản xuất bê tông không phép nhiều năm, nhưng không được chính quyền địa phương nơi đây giải quyết dứt điểm?

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm - Hà Nội: Trạm trộn bê tông không phép vô tư hoạt động dưới chân cầu Thanh Trì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO