Gia Lâm – Hà Nội: Cần làm rõ những bất cập tại khu chợ tạm Khu đô thị Đặng Xá

Quán Dũng| 24/09/2020 10:50

(TN&MT) - Thu tiền trái quy định, yêu cầu các hộ kinh doanh, bán hàng phải thuê mặt bằng với số tiền hàng trăm nghìn đồng/m vỉa hè, chính quyền xã thì thờ ơ, xử lý kiểu nửa vời khiến hàng chục hộ kinh doanh, buôn bán vô cùng bức xúc đó là những gì đang diễn ra tại khu chợ tạm Khu đô thị Đặng Xá.

Vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư kêu cứu của người dân sinh sống tại xã Cổ Bi và các xã giáp ranh Khu đô thị Đặng Xá phản ánh do nghề nghiệp không có, họ phải kinh doanh tạm ở vỉa hè thuộc đường DX2, với mong muốm tăng thêm thu nhập và đóng tiền đây đủ cho Ban quản lý chợ Khu đô thị Đặng Xá. Tuy nhiên, tháng 7/ 2020 ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND Xã Cổ Bi  ra Thông báo yêu cầu dừng hết công việc kinh doanh, buôn bán mà không có lý do rõ ràng, nhưng xã chỉ xử lý theo kiểu nửa vời khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên một hộ bán hàng (xin được giấu tên) ở trục đường DX2, khu chợ tạm X8 Khu đô thị Đặng Xá bức xúc: Chúng tôi buôn bán từ nhiều năm nay, hàng tháng chúng tôi đều phải đóng tiền từ 200 - 400 nghìn đồng/tháng, nay xã thông báo đóng cửa, không cho buôn bán, trong khi đó nhiều hộ kinh doanh cạnh chúng tôi và trong cùng một khu vực lại không thu hồi,  không cấm kinh doanh?! Cùng với đó đại diện phía Công an xã Cổ Bi lại trả lời chúng tôi vẫn tạo điều kiện và hứa sẽ phân lô làm mái để các hộ dân kinh doanh. Còn về phía Ban quản lý chợ thì lại đứng ra yêu cầu các hộ kinh doanh phải thuê mặt bằng với số tiền 600 ngàn đồng/m2/tháng, giá đội lên so với thời gian trước rất nhiều. Điều đặc biệt, tất cả số tiền thu trên không có biên lai thu tiền, không hóa đơn, không có tổ chức nào đứng ra nhận, trong khi hàng tháng vẫn có “người lạ” đến thu tiền đều đặn. Phải chăng có sự bao che, lợi ích nhóm ở đây?

Một số đối tượng được cho là người của Ban quản lý chợ đi thu phí của tiểu thương - Ảnh cắt từ video

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết ngày 27/4/2017, UBND huyện  Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch số 105/KH –UBND về việc quản lý, khai thác, cải tạo, sửa chữa, xây dựng và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn huyện Gia Lâm. Trong đó có kế hoạch xây dựng chợ Khu đô thị Đặng Xá để di dời hoạt động chợ cóc khu X8, xã Cổ Bi. Tiếp đó, ngày 19/6/2017, UBND huyện đã có Báo cáo số 175/BC-UBND về rà soát quy hoạch ngành thương mại trên địa bàn huyện Gia Lâm để báo cáo UBND Tp. Hà Nội và Sở Công Thương, trong đó có đề nghị bổ sung quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ đối với chợ Khu đô thị Đặng Xá để di dời chợ cóc, với quy mô diện tích dự kiến 2.000m2 tại vị trí khu Má Khoai, xã Đặng Xá. Hiện UBND huyện đang hướng dẫn, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng chợ theo quy định.

UBND xã  ra Thông báo hè thông, đường thoáng theo kiểu nửa vời

Để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân, trong thời gian chờ xây chợ mới theo quy định, UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu UBND xã Cổ Bi tạm thời cho phép chợ cóc này tồn tại nhưng phải chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, đảm bảo không ảnh hưởng ATGT, ANTT, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và nâng cao việc kiểm soát ATTP tại chợ.

Theo Thông báo số 171/TB – UBND  ngày 17/7/2020 do ông Nguyễn Văn Phước ký về việc tự tháo dỡ các công trình vi phạm tại tuyến đường DX2 Khu đô thị Đặng Xá, yêu cầu các hộ kinh doanh phải tự tháo dỡ công trình và di chuển toàn bộ hàng hóa ra khỏi vị trí trên. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên tại thực địa thì hoàn toàn khác với những gì mà Thông báo của UBND xã nêu, vì UBND xã chỉ thu hồi, cũng như không cho một số hộ kinh doanh trên trục đường DX2 theo kiểu “sôi đỗ”, trong khi còn hàng loạt hộ dân, buôn bán ngay cạnh lại không thu hồi, tháo dỡ.

 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi cho biết: Vừa qua UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Gia Lâm về công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn xã. Theo đó tại khu vục chợ tạm X8 có 120 hộ kinh doanh, buôn bán trên khu vực chợ mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng gia dụng, tạp hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu và cũng báo cáo UBND huyện cho phép tạm thời tồn tại và duy trì chợ tạm. Còn về việc Ban quản lý chợ được cơ quan nào thành lập, thu tiền của các hộ dân ra sao thì bà Hạnh không nắm được vì mới về phụ trách.

Đề nghị UBND huện Gia lâm, Công an huyện Gia Lâm và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh các đối tượng bao che, thông đồng móc túi của tiểu thương, gây bức xúc dư luận.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm – Hà Nội: Cần làm rõ những bất cập tại khu chợ tạm Khu đô thị Đặng Xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO