Gia Lai triển khai nhiều mô hình kinh tế chủ động thích ứng BĐKH

Quế Mai (thực hiện)| 06/12/2022 10:36

(TN&MT) - Những năm gần đây, trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Gia Lai đã chủ động có nhiều giải pháp thích ứng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực. Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về những giải pháp thích ứng BĐKH phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Xin ông cho biết về những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai trong những năm qua?

7-1-.jpg

Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Ông Kpă Thuyên: Những năm qua, BĐKH đã và đang ngày càng gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ảnh hưởng đời sống của người dân địa phương. Trong đó, đối với ngành nông nghiệp - thế mạnh chủ yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai, BĐKH đã làm giảm giá trị sản xuất, năng suất cây trồng và ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân; gây ra các hiện tượng mưa kéo dài, lũ lụt gây ngập úng các diện tích cây trồng.

Cùng với đó, BĐKH còn tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm. Thách thức của BĐKH cũng liên quan đến các vấn đề như: làm mất đất sản xuất nông nghiệp do lũ lụt, hoang mạc hóa; đồng thời, tác động đến các ngành, lĩnh vực có liên quan như: lâm nghiệp - làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng, tăng nguy cơ cháy rừng; năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ và ngành du lịch… của địa phương.

PV: Để vừa thích ứng với BĐKH và vừa phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai hiện đang triển khai thực hiện những giải pháp, mô hình nào, thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Để thích ứng với điều kiện thời tiết có nhiều thay đổi, tỉnh Gia Lai đã triển khai các mô hình phát triển kinh tế chủ động thích ứng. Tiêu biểu là tỉnh hướng dẫn các địa phương, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2022, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 4.937,65ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện BĐKH, phù hợp với nhu cầu thị trường; đồng thời, chuyển đổi khoảng 36.755,6ha diện tích cây trồng kém hiệu quả như cao su, mía, sắn, hồ tiêu, cà phê, điều… sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như khoai lang Nhật, khoai tây, rau, đậu đỗ các loại, cây ăn quả, cây dược liệu.

Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo chính quyền cơ sở thực hiện 4 dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai, sạt lở với quy mô 307 hộ, tổng kinh phí thực hiện là 68,228 tỷ đồng. Có thể nói, những dự án này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp người dân địa phương ổn định nơi ở, yên tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội phục vụ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp những khó khăn nào, thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Tuy các mô hình chuyển đổi cây trồng hay dự án ổn định dân cư vùng thiên tai tại tỉnh Gia Lai đã đạt được những hiệu quả nhất định, nhưng việc triển khai các mô hình này còn gặp nhiều khó khăn do đời sống một bộ phận nông dân còn nghèo, trình độ dân trí thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các mô hình chuyển đổi cây trồng mới.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn kém phát triển, nhất là hệ thống giao thông nội đồng. Đồng thời, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống thủy lợi còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu nước. Do đó, việc triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa được người dân quan tâm, thực hiện hoặc hiệu quả thấp, chưa bền vững.

7-2-.jpg

Người dân được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp, thích ứng với BĐKH.

PV: Thời gian tới, để thích ứng BĐKH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Gia Lai sẽ có những định hướng, giải pháp nào, thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Định hướng của tỉnh Gia Lai trong việc vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa thích ứng với BĐKH là sẽ tiếp tục chuyển đổi các diện tích cây lúa, sắn, mía, cao su, điều, hồ tiêu… kém hiệu quả sang phát triển các loại rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; hoặc chuyển sang phát triển các dự án chăn nuôi và phát triển hạ tầng, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo...

UBND tỉnh Gia Lai giao Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với BĐKH giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tổ chức lại sản xuất trồng trọt thích ứng với BĐKH theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh các sản phẩm cây trồng hàng hóa có thế mạnh của tỉnh; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai triển khai nhiều mô hình kinh tế chủ động thích ứng BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO