Gia Lai: Phập phồng lưu thông qua đèo Tô Na

04/12/2014 00:00

(TN&MT) – Đèo Tô Na trên quốc lộ 25, đoạn qua thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang trở thành nỗi khiếp sợ của cả xe cộ và người đi đường...

   
(TN&MT) – Đèo Tô Na trên quốc lộ 25, đoạn qua thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang trở thành nỗi khiếp sợ của cả xe cộ và người đi đường, bởi hiện tượng sạt lở hai bên đèo khiến hàng ngàn khối đất đá luôn trực chờ đổ ầm xuống, vùi lấp mọi thứ bất cứ lúc nào.
   
   
  Con đường vượt đèo Tô Na nằm lọt thỏm giữa hai bên vách cao chừng 10 – 15 m với những tảng đá lớn sẵn sàng trượt xuống đường bất cứ lúc nào, khiến hoạt động lưu thông của hàng ngàn lượt xe cộ và người đi đường qua đoạn đèo này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Anh Nguyễn Văn Tư, một tài xế xe khách chạy tuyến Krông Pa - Gia Lai, cho hay: “Cả khách và tài xế đều phập phồng lo sợ khi qua đèo Tô Na, nhất là vào ngày mưa. Nhưng vì đây là con đường duy nhất đi từ TP Pleiku đến Krông Pa và ngược lại, nên chúng tôi buộc phải lưu thông qua đoạn đường này”.
   
  Đèo Tô Na là một trong những đoạn đường hiểm trở trên quốc lộ 25 nối tỉnh Phú Yên và các tỉnh miền Trung với Tây nguyên, theo hướng Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Đây cũng là con đường để vận chuyển nông sản ở khu vực này ra ngoài tỉnh, đến các cơ sở chế biến ở TP Pleiku hay các huyện khác vùng Đông Gia Lai. Chính vì vậy, đã có dự án tu bổ, nâng cấp đoạn đường này từ năm 2010. Con đèo dài gần 2 km cũng được nắn tuyến để giảm thiểu nguy hiểm cho việc lưu thông với tổng đầu tư hơn 51 tỉ đồng.
   
  Đoạn đường sau khi tu sửa, được đưa vào sử dụng năm 2012. Cũng từ đó, con đèo trở thành nỗi khiếp sợ của các phương tiện tham gia giao thông khi đèo Tô Na không được bạt ta luy, làm mái dương… để giảm thiểu sạt lở. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, các trận sạt lở đất đá liên tục xảy ra tại đây, khiến giao thông bị ách tắc hàng giờ đồng hồ. Đơn cử như trận sạt vào cuối tháng 9/2013, hơn 6.000 m3 đất đá đổ xuống đường, các lực lượng chức năng phải mất 3 tiếng đồng hồ để thông đường và 5 ngày cật lực mới dọn hết đống đất đá trôi xuống đường.
   
   
  Theo ông Hà Anh Thái, Phó Phòng quản lý hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, ngay từ khi thi công đường đã xuất hiện sạt lở do khu vực đèo Tô Na có nền địa chất không ổn định gồm cả đất và đá nên không có độ kết dính. Chỉ cần có mưa, nước ngầm từ trong núi chảy ra gây xói mòn, dẫn đến sạt lở. Rất may, các trận sạt lở đều chưa có thiệt hại về người và phương tiện của người dân nhưng cho thấy nguy cơ mất an toàn vẫn luôn tiềm ẩn.
   
  Ông Hà Anh Thái cho biết thêm: “Chúng tôi đã có báo cáo lên Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và trình dự án để có kinh phí sữa chữa tuyến đường này. Dự kiến, kinh phí đầu tư tương đối lớn, khoảng 80 – 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nền địa chất ở đây không ổn định nên trước mắt vẫn phải theo dõi địa chất để sạt lở đến mức độ ổn định thì mới có biện pháp gia cố chắc chắn mang lại hiệu quả cao”.
   
                                                                                      Bài & ảnh: Quế Mai
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Phập phồng lưu thông qua đèo Tô Na
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO