Gia Lai: Nông dân đua nhau trồng Tiêu "Lạ", tiềm ẩn rủi ro

08/06/2017 00:00

(TN&MT)- Tiêu Lốt, một giống Tiêu lạ đang được nông dân Gia Lai đua nhau trồng. Song, chưa có cơ quan chức năng nào đánh giá ưu, nhược điểm của giống Tiêu này.

Trồng Tiêu “lạ”… bán cho ai ?

Thời gian qua, trên địa bàn Gia Lai nhiều hộ dân đổ xô đi trồng giống Tiêu Lốt vì những ưu điểm và “lợi nhuận khủng”. Tuy nhiên, do người dân trồng tự phát không nghĩ đến thị trường đầu ra và cách chăm sóc nên có nhiều hộ Tiêu bị chết trắng hoặc trồng mà không biết bán cho ai.

Vườn tiêu lốt được trồng thử nghiệm.
Vườn tiêu lốt được trồng thử nghiệm.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về giống tiêu “lạ” trong khoảng 6 tháng là có thu hoạch và cho thu hoạch quanh năm khiến người dân đổ xô đi tìm giống không rõ nguồn gốc để trồng thử. Trên địa bàn Gia Lai nhất là các huyện Chư Sê, Ia Grai, Đắc Đoa một số người dân đã mua giống trôi nổi từ TP. Hồ Chí Minh để trồng một cách tự phát.

Giờ đây khi cây trồng được 6 tháng và cho thu bói thì không có ai biết thứ quả “lạ” này nên không dám mua. Nhiều hộ mua giống tiêu lạ này về trồng đều chết trắng làm thiệt hại cả hàng trăm triệu đồng.

Nghe lời chào mời mua giống tiêu lốt trên mạng và những lời hứa miệng về bao tiêu đầu ra, anh Phạm Trọng Thiện (Làng Roh, xã ALBá, Chư Sê) đã mua 2.000 cây giống để trồng tái canh trên diện tích Tiêu bị chết của mình. Vì không biết cách chăm sóc nên hàng ngàn cây Tiêu non chết sạch chỉ còn trơ trọi gần 400 cây. Anh Thiện ngậm ngùi: “Thấy nhiều người trồng nên tôi cũng lên mạng tìm cây giống và được một công ty ngoài TP. Hồ Chí Minh giới thiệu giống và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm. Cũng tin tưởng nên tôi đã đầu tư mua 2.000 cây giống và đầu tư cả trụ, làm đất, phân chuồng hết gần 200-300 triệu đồng. Chỉ qua vài trận mưa đầu mùa những cây con đã chết chỉ còn sót lại khoảng 400 cây.  Giờ trồng 400 cây đó phát triển bén rễ đã cho thu hoạch nhưng không biết bán cho ai…”

Cùng hoàn cảnh với anh Thiện, Chị Hài (Ia Pal, Chư Sê, Gia Lai) cho biết: Gia đình trước trồng 1.000 trụ Tiêu đen nhưng bệnh chết hết. Trong lúc tìm cây khác để tái canh lại khu đất trống vào khoảng tháng 7/2016, chị nghe trên mạng và nhiều người chỉ giống Tiêu Lốt có giá thành cao, kháng nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch nhanh, thu được quanh năm nên đã tìm hiểu và mua 400 trụ về trồng thử. Số giống Tiêu này chị Hài trồng xen vào những trụ Tiêu đã bị chết trong vườn. Sau 6 tháng trồng, cây Tiêu phát triển rất tốt, rất sai quả và đã cho thu hoạch…

Tiêu lốt đang chờ đầu ra.
Tiêu lốt đang chờ đầu ra.

Thế nhưng, chị đang rất lo lắng, mấy tháng nay chị thu được khoảng 1 tạ Tiêu khô, thương lái tới mua Tiêu đen, chị giới thiệu loại Tiêu Lốt này mà họ không biết nên không dám mua. "Tôi có liên hệ với một số đại lý tại Bình Dương thì được báo giá là 140.000 đồng/kg Tiêu Lốt khô nhưng ít quá họ không mua…”, chi Hải chia sẻ.

Bà con nông dân phải hết sức thận trọng với Tiêu “lạ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Trọng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Tiêu Chư Sê cho biết, đây là cây Tiêu Lốt. Thời gian từ lúc trồng đến bắt đầu thu hoạch chỉ 6 tháng và có thể thu hoạch được quanh năm. Đặc biệt loại tiêu này có thể hạn chế được nhiều loại sâu bệnh. Ngoài ra đây còn là một loại dược liệu rất tốt nhưng ít ai biết đến. Do vậy, thị trường tiêu thụ hầu như không có. Qua nhiều lần thử nghiệm và đưa mẫu đi nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu cây trồng, năm 2014 ông đã đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất 30 xã viên  HTX…

Ông Trọng cũng trăn trở: “Do đây là loại Tiêu mới, thị trường còn ít nên chúng tôi chỉ ưu tiên cho các xã viên trồng, chăm sóc theo quy trình “Tiêu sạch” cam kết không sử dụng thuốc hóa học và kí hợp đồng bao tiêu toàn bổ sản phẩm cho xã viên. Còn những hộ dân trồng tự phát cũng trên địa bàn và các huyện lân cận cũng liên hệ bán tiêu nhưng hiện tại thị trường không đủ. Các HTX xã lân cận cũng liên hệ để mua giống và mở hội thảo để giúp bà con trên địa bàn nhưng đang trong quá trình khảo nghiệm nên chúng tôi tránh trồng ồ ạt…”

Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ Tiêu, nhìn nhận: “Tiêu Lốt là giống mới, vẫn chưa có hướng dẫn và thị trường tiêu thụ nên nông dân cần cẩn thận khi trồng. Theo tôi tìm hiểu thì Tiêu Lốt cũng là một loại cây trồng để thu hoạch làm gia vị. Còn giá trị về mặt dược liệu hay gì đó thì còn phải nghiên cứu sâu hơn…”.

Hiện nay trên mạng xã hội rất nhiều lời chào bán giống Tiêu Lốt và giới thiệu những ưu điểm của loại Tiêu này, làm người dân đổ xô đi mua giống tự phát trồng mà không nghĩ đến thị trường tiêu thụ, chưa kể không được các chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc nên Tiêu chết hàng loạt. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có một sự định hướng kịp thời và mở các hội thảo liên kế các “nhà” để giúp bà con nhân dân có sự phát triển loại Tiêu Lốt theo quy trình và có sự bảo đảm về đầu ra một cách bền vững.

Ngọc Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nông dân đua nhau trồng Tiêu "Lạ", tiềm ẩn rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO