Gia Lai: Đồng bào Ba Na làm du lịch

Thục Vy | 04/09/2021, 21:43

(TN&MT) - Là vùng đất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của người  Ba Na, tại một số địa phương của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), đồng bào Ba Na đã biết tận dụng thế mạnh của mình để làm du lịch, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.

Làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là nơi chung sống của hơn 100 hộ đồng bào Ba Na bản địa, người Kinh và người Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây lập nghiệp. Do chịu khó làm ăn, đồng bào Ba Na tại làng Stơr đã không còn hộ đói nữa, hộ nghèo cũng ít đi. Già làng Đinh Nhúy cho hay, trước đây tập quán canh tác của bà con dựa vào rừng, nhưng giờ đây, bà con không còn phá rừng làm rẫy nữa, mà thay vào đó là thâm canh trên mảnh vườn của mình. Một số hộ còn trồng cây xoan đào, bạch đàn góp phần phủ xanh rừng. Ngoài ra, bà con còn phát triển chăn nuôi, làm du lịch nên có thu nhập khá.

Cộng đồng Ba Na ở vùng Đông Gia Lai tham gia kinh doanh dịch vụ homestay.

Ở huyện Kbang, ngoài chuyện đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt thành trồng trọt, phủ xanh rừng, thì không thể không kể đến việc làm du dịch của một số thanh niên người Ba Na. Điển hình là anh Đinh A Ngưi, ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng), anh là người đi đầu trong cộng đồng Ba Na ở vùng Đông Gia Lai tham gia kinh doanh dịch vụ homestay. Homestay của anh Ngưi được xây dựng trên diện tích 1ha, có 2 nhà sàn lớn với 6 phòng ngủ, và một nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bếp cho 300-500 khách, nhà vệ sinh... Cổng vào được thiết kế mộc mạc, đơn sơ nhưng thể hiện rõ bản sắc văn hóa của người Ba Na ở Gia Lai.

Trong khu nhà, anh Ngưi trưng bày bộ sưu tập cồng chiêng, đàn t’rưng, nhiều vật dụng, trang phục được làm từ thổ cẩm, do chính người thân trong gia đình làm. Vốn là cán bộ văn hóa - thông tin huyện Kbang, khi mở dịch vụ homestay, anh Ngưi đã mời các đội cồng chiêng, múa xoang lớn nhỏ, các đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, các nghệ nhân hát sử thi trong cộng đồng Ba Na để phục vụ, giúp cho khách lưu trú có dịp trải nghiệm về đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Mô hình homestay của anh thanh niên Ba Na Đinh A Ngưi rất được khách du lịch ưa chuộng.

Ngoài ra, anh Ngưi còn vận động các hộ Ba Na trong vùng nuôi heo, gà, ủ rượu cần, để khi có khách đến làng thì sẽ có thể cung ứng các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một khu đất không có hiệu quả kinh tế, cây dại mọc um tùm, qua bàn tay của anh Ngưi đã trở nên khang trang, sạch đẹp. Do lượng khách du lịch đến ngày càng đông, nên anh Ngưi rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và thu gom rác thải, thông qua việc đặt các thùng rác xung quanh homestay và thu dọn rác hàng ngày. Làng Kgiang hiện có hơn 140 hộ gia đình, tất cả đều là người Ba Na, nhờ sự vận động của anh Ngưi nên đều chung tay làm du lịch cộng đồng, thu hút nhiều khách gần xa.

Du khách trải nghiệm đời sống văn hóa của người Ba Na ở huyện Kbang.

Thời gian qua, huyện Kbang đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. Với những tiềm năng, lợi thế của các loại hình du lịch của địa phương, ngoài sự quan tâm đầu tư của các cấp thì sự chung tay của dân làng đã góp phần thay đổi tập quán sinh hoạt cùng với việc bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của người đồng bào Ba Na để khai thác và phát triển ngành du lịch ở Kbang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO