Gia Lai: Chuyển đổi cây trồng vùng hạn, thích ứng với BĐKH

16/03/2016 00:00

(TN&MT) - Việc thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ làm giảm thiệt hại về kinh...

 

(TN&MT) – Nhiều năm trở lại đây, hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã gây ra nhiều tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Do đó, việc thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh không chỉ làm giảm thiệt hại về kinh tế cho nông dân, mà còn là giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều diện tích đất trồng lúa bị hạn, không thể gieo trồng
Nhiều diện tích đất trồng lúa bị hạn, không thể gieo trồng

Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, thêm vào đó là nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nên nhiều nằm trở lại đây, tỉnh Gia Lai thường xuyên gặp hạn hán vào mùa khô. Trong đó, các huyện như Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ, Kông Chro, Kbang, Krông Pa…, là những huyện trọng điểm chịu ảnh hưởng gay gắt của hạn hán, việc điều tiết nước tưới chống hạn gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục chịu hạn, hàng nghìn hecta cây trồng các loại bị ảnh hưởng, làm tụt giảm năng suất và thiệt hại nặng nề.

Nhận định tình hình hạn hán và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ còn kéo dài nhiều năm, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020 của tỉnh Gia Lai được thành lập để chủ động ứng phó, hạn chế tác động và thích ứng với nó. Đề án triển khai sẽ tập trung chuyển đổi một số loại cây trồng cạn, thay thế cây lúa trên đất lúa thường xuyên thiếu nước vụ Đông Xuân hoặc sản xuất lúa không hiệu quả bằng các loại cây trồng như cỏ, ngô lấy thân, thanh long ruột đỏ, đậu đỗ.

Hộ gia đình anh Nguyễn Phúc Phương (thôn Đồng Tâm 2, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) có 2 sào lúa nước năm nào cũng thất thu vụ Đông Xuân vì hạn hán. Được sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp huyện Đức Cơ, anh Phương đã chuyển đổi 2 sào lúa nước qua trồng cây thanh long ruột đỏ. “Thanh long ruột đỏ không cần tưới nhiều nước, chịu được hạn, chăm sóc đơn giản, không tốn công. Với giá cả ở thời điểm hiện tại thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn cây lúa. Chúng tôi thấy rất yên tâm và phấn khởi với hướng đi này”, anh Phương chia sẻ.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất trồng lúa bị hạn tại huyện Đức Cơ (Gia Lai).
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất trồng lúa bị hạn tại huyện Đức Cơ (Gia Lai).

Theo ông Nguyễn Quốc Tư – Phó Phòng Nông nghiệp huyện Đức Cơ, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn trên địa bàn, trong đó có việc chuyển đổi 85 ha đất không thể trồng lúa vì bị bồi lấp và khô hạn kéo dài sang trồng thanh long ruột đỏ, chuối tiêu và rau màu các loại. “Hiện tại, huyện đã thí điểm chuyển đổi được hơn 20 ha, bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định. Cây trồng chuyển đổi phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển tốt. Thu nhập của hộ gia đình chuyển đổi cây trồng đạt trên 6 triệu đồng/tháng. Nếu giá cả nông sản không thay đổi thì người dân sẽ có thu nhập khá”, ông Tư cho biết.

Ngoài Đức Cơ, Chư Pưh là một huyện của Gia Lai chịu ảnh hưởng gay gắt nhất của hạn hán. Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Chư Pưh đã quy hoạch 200 ha đất trồng lúa bị hạn, kém năng suất để chuyển sang trồng cỏ nuôi bò và ngô lấy thân. Năm 2015 – 2016, huyện đã chuyển đổi 50 ha, kế hoạch từ 2017 đến 2020 sẽ tiếp tục chuyển đổi 150 ha diện tích còn lại. Ông Nguyễn Văn Khanh – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chư Pưh cho hay, thực hiện đề án này, ngân sách huyện hỗ trợ 75% chi phí giống, 50% chi phí vật tư thiết yếu cho nông dân thực hiện các mô hình trình diễn; hỗ trợ 100% chi phí cho công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, tham quan mô hình tiên tiến trong, ngoài tỉnh và thông tin tuyên truyền.

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ động vật và thực vật – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hạn của UBND tỉnh Gia Lai giai đoạn 2014 – 2020 với tổng diện tích cần chuyển đổi là 3.047 ha. Vụ Đông Xuân 2015 – 2016, kế hoạch toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 1.106 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Tính đến 10/3, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 774 ha, đạt 70% kế hoạch.

Thanh long ruột đỏ chịu hạn tốt và cho năng suất thu nhập khá cao.
Thanh long ruột đỏ chịu hạn tốt và cho năng suất thu nhập khá cao.

Xét về nhiều mặt, đề án chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng khác, không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho nông dân mà còn có hiệu quả về môi trường, xã hội. Cỏ trồng có nhu cầu lượng nước tưới thấp hơn nhiều so với cây lúa, độ che phủ lớn. Do vậy, trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi sẽ góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh. Trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi sẽ giải quyết được việc làm cho một lượng lao động lớn ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo bền vững...

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mới triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. “Diện tích đất cần chuyển đổi cây trồng chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, trong khi tập quán canh tác của người đồng bào còn lạc hậu và ý thức sản xuất, nhu cầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Người dân chưa quen với việc trồng loại cây trồng khác trên đất ruộng nên còn rất bỡ ngỡ. Hơn nữa, việc chuyển đổi cũng cần nguồn vốn ban đầu để đầu tư mà điều kiện của người dân lại không có. Ngoài ra, ngoài diện tích đất trồng lúa, người dân còn trồng cây công nghiệp. Thời điểm bắt đầu hạn, cần chuyển đổi cây trồng thì người dân chỉ lo chăm sóc diện tích cây công nghiệp, bỏ lơ đất ruộng khiến nhiều diện tích đất khô hạn bị bỏ trống”, ông Nguyễn Quốc Tư lý giải.

Như vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Gia Lai còn cần có thời gian tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu hơn về lợi ích mà nó mang lại. Thực hiện đề án này cũng cần sự phối hợp của người dân và các cơ quan ban ngành liên quan để thúc đẩy quá trình thực hiện nhanh và thực sự hiệu quả.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Chuyển đổi cây trồng vùng hạn, thích ứng với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO