Gia Lai: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

09/03/2018 14:23

(TN&MT) – Nhằm quản lý chặt chẽ và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác được UBND...

 

(TN&MT) – Nhằm quản lý chặt chẽ và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác được UBND tỉnh ban hành để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản.
 

ảnh 1
Nhiều vụ khai thác cát trái phép ở trên các sông, suối nhỏ bị phát hiện nhưng xử lý không triệt để nên vẫn kéo dài.

Thực hiện theo Luật khoáng sản 2010, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phổ biển Luật khoáng sản đến các cấp địa phương, doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và gán trách nhiệm của người đứng đầu địa phương xảy ra khai thác khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Kbang…), chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát xây dựng, đất san lấp, đá xây dựng…). Trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã đôi nơi còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, cho nên nhiều điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép vẫn liên tục kéo dài và không được ngăn chặn triệt để, gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và đời sống người dân quanh khu vực.
 

ảnh 2
Khai thác đá trái phép quy mô lớn (huyệ Ia Grai) nhưng chính quyền địa phương không hay biết.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 61 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Tổng khu vực cấm hoạt động khoáng sản gồm 4.446 vị trí, với tổng diện tích hơn 319.000 ha và 87 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Tính từ năm 2011 đến nay, qua công tác thanh, kiểm tra, phối hợp thực hiện đã xử phạt và đề xuất UBND tỉnh xử phạt 34 đơn vị với tổng số tiền phạt 2.117.800.000 đồng, đồng thời tịch thu nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Việc ban hành phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Gia Lai là cần thiết để bảo vệ khoáng sản đã được điều tra phát hiện, chưa được điều tra phát hiện, chưa cấp phép khai thác, bao gồm cả khoáng sản ở các bãi thải của mỏ đã đóng cửa mỏ, khu vực cấm hoạt động khoáng sản và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của UBND tỉnh Gia Lai.

Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Sở, ngành chức năng các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Trong đó, công tác thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản cần được các cấp quản lý tăng cường thực hiện nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản. Xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn, kéo dài. Thực hiện tốt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã ban hành…

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về khoáng sản cho doanh nghiệp và cá nhân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên để thực hiện tốt quy định của pháp luật về khoáng sản; vận động nhân dân tích cực đấu tranh với các hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản.
 

ảnh 3
Việc khai thác khoáng sản trái phép làm thay đổi hiện trạng đất đai, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường.

Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cần sự chung tay phối hợp của các địa phương nằm giáp ranh nhau. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương được nâng lên khi phải chịu trách nhiệm nếu địa phương quản lý xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

Thêm vào đó, tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn cần phải được thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu, tránh trường hợp để trở thành điểm nóng, vượt quá khả năng xử lý của địa phương. Song song với đó, trách nhiệm của chính các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản cũng phải được nâng cao để việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum mang lại hiệu quả thực sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO