Giá điện tăng, doanh nghiệp VLXD đối mặt nguy cơ đổ vỡ

10/03/2015 00:00

(TN&MT) - Thông tin giá điện sẽ tăng 7,5% từ ngày 16/3/2015 như một gáo nước lạnh dội xuống ngành VLXD.

(TN&MT) - Giá xăng dầu liên tục giảm tạo “cú hích” cho ngành VLXD phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thông tin giá điện sẽ tăng 7,5% từ ngày 16/3/2015 như một gáo nước lạnh dội xuống ngành này khi mà điện năng chiếm tới 15% giá thành sản xuất.
 
 
Điện tăng sẽ là nỗi buồn cho doanh nghiệp sản xuất thép
Điện tăng sẽ là nỗi buồn cho doanh nghiệp sản xuất thép
 
Cái lý của EVN
 
Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, theo Quyết định 69 của Chính phủ về giá điện theo cơ chế thị trường, nếu chi phí đầu vào tăng 7%, Tập đoàn sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện, nếu trên 10% thì Thủ tướng phê duyệt. Đến nay, chi phí đầu vào của EVN đã tăng trên 12% và gần 2 năm nay, các thông số đầu vào như dầu, khí, than, liên tục tăng. Thuế tài nguyên nước tăng từ 2 - 4%, giá mua điện của các thủy điện nhỏ cũng tăng. EVN phải tiếp nhận lưới điện nông thôn, thực hiện trồng bù rừng khiến tổng chi phí đầu vào tăng, nhưng giá bán lẻ điện lại không tăng. Năm 2014, EVN đã nhiều lần trình Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, nhưng do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nên Bộ Công Thương chưa chấp thuận.
 
Nếu không điều chỉnh giá điện, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng và không thể đầu tư phát triển sản xuất và cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước. Nếu giá bán điện tăng 7,5% từ 16/3/2015 thì doanh thu của Tập đoàn này tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng đủ bù đắp chi phí thực tế. Tuy nhiên, về lâu dài nếu EVN vẫn giữ bộ máy cồng kềnh như hiện nay thì khó mà “dư dả” mãi được.
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương: Năm 2015, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo quyết liệt EVN phải thực hiện các giải pháp đồng bộ về mặt tổ chức, về hiện đại hóa để tăng năng suất lao động trên 9%, giảm tổn thất điện năng xuống tối thiểu 8%.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, thông tin tăng giá điện sẽ gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất liên quan mật thiết đến điện năng. Trong đó, theo như phân tích của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, mức tăng 7,5% sẽ làm tăng rõ rệt chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất nhất là các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng.
 
DN sản xuất VLXD khốn đốn
 
Về phía doanh nghiệp xi măng, ông Nguyễn Tùng Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty Xi măng Cẩm Phả cho biết, giá điện đang chiếm 15% giá bán, chi phí giá điện tăng tất nhiên xi măng sẽ phải tăng giá tương ứng tuy nhiên thị trường khó chấp nhận. “Đối với ngành sản xuất xi măng, mặc dù giá bán trong nước đang thấp hơn giá khu vực và trên thế giới rất xa nhưng vẫn khó khăn về khâu tiêu thụ. Để tồn tại, trong ngành xi măng đã cạnh tranh quyết liệt với nhau cách tăng chi phí bán hàng, giảm giá bán thậm chí chấp nhận lỗ. Nhiều cơ sở tư nhân và các cơ sở dây chuyền công nghệ lạc hậu đành phá sản” - ông Châu phân tích.
 
Trong khi đó với ngành thép, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Tăng giá điện là nguy cơ lớn đối với ngành thép. Giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật và Trung Quốc đang rất thấp. Chưa tăng giá điện doanh nghiệp thép trong nước đã chết, không kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả các lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ chết.
 
Thực tế trong tổng công suất 10 triệu tấn thép/năm thì có 70 - 80% phôi thép được sản xuất bằng điện. Theo thống kê, 1 tấn phôi được sản xuất ra tốn 400 - 500 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ cảm ứng. Như vậy, việc giá điện tăng ở mức 7,5% thì sẽ phải tốn thêm 30 - 45 KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép.
 
Còn ông Lại Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty thép Việt Nam – Australia  cho rằng, giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng. Nhưng trước mắt chưa thể tăng ngay giá bán thép vì còn phụ thuộc vào thị trường. Ngành thép đang gặp khó khăn, nếu điện tăng như thông báo thì ít nhất tại Hải Phòng tới đây sẽ có 4 doanh nghiệp luyện thép phải dừng sản xuất, một số doanh nghiệp cán thép khác cũng không hoạt động, hàng nghìn công nhân có nguy cơ không có việc làm. Các doanh nghiệp đã tính tới các biện pháp tối ưu hóa chi phí khởi động, vận hành máy để giảm giá thành sản phẩm. Ông Lại Quang Trung nhấn mạnh: “Ngành thép hiện nay đang rất khó khăn. Sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng có giới hạn, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi đang cố gắng đặt mục tiêu duy trì sản xuất, lo công ăn việc làm cho người lao động lên hàng đầu trong bối cảnh này. Còn lợi nhuận của doanh nghiệp đôi khi lại trở thành thứ yếu”.
 
Bài và ảnh: Minh Anh
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điện tăng, doanh nghiệp VLXD đối mặt nguy cơ đổ vỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO