Gấp rút hoàn thành kiểm kê đất đai

Thúy Nhi| 13/10/2020 12:03

(TN&MT) - Hiện, vẫn còn 18 tỉnh, thành phố chậm tiến độ kiểm kê đất đai, lập bản đồ năm 2019. Nếu không gấp rút hoàn thành sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của cả nước.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/ 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/ 2018 và Quyết định số 1762/QĐ-BTNMT ngày 14/7/2019 của Bộ TN&MT về việc ban hành Phương án thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, các địa phương phải hoàn thành việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cả nước và các vùng kinh tế - xã hội hoàn thành trước ngày 16/6/2020.

Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Ảnh: MH

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, việc kiểm kê đất đai ở nhiều địa phương còn chậm, chính vì thế Bộ TN&MT đã có Báo cáo Chính phủ và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất của Bộ TN&MT cho phép kéo dài thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 vào quý IV/2020.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến ngày 8/10 đã có 27/63 tỉnh đã gửi kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 về Tổng cục; 18/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019 đang trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Tuy vậy, còn 14/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện đang rà soát, chỉnh sửa và tổng hợp kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 cấp tỉnh gồm: Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Đáng nói là, 4/63 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019 ở cấp huyện là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa và Nghệ An. Trong đó, tỉnh Yên Bái chưa hoàn thành kiểm kê đất đai ở cấp xã.

Ngoài ra, trên phần mềm TK-Online mới có 56/63 tỉnh, thành phố đưa toàn bộ dữ liệu cấp xã lên.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do các địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ Trung ương; kinh phí địa phương nhiều tỉnh chậm giao bổ sung (mặc dù dự toán kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt), do đó, chưa có cơ sở để đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công mặt khác thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và công khai hồ sơ… và việc thực hiện đấu thầu rộng rãi, qua mạng dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chậm.

Bên cạnh đó, do Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" (dự án được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg) đã được thực hiện ở một số nơi. Tuy vậy, nhiều địa phương chưa hoàn thành nên việc thống nhất đường địa giới kiểm kê đối với đơn vị hành chính cấp xã, huyện gặp nhiều khó khăn; một số địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thực hiện ở các địa phương cũng bị chậm, đặc biệt, công tác thực hiện tại cấp huyện, tỉnh do không thể đôn đốc, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm của các xã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả địa phương và Trung ương.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa Lưu Trọng Quang - một trong các địa phương chậm tiến độ kiểm kê cho biết, tỉnh Thanh Hóa chậm tiến độ kiểm kê là do tỉnh diện tích tự nhiên lớn, nhiều đơn vị hành chính cấp xã bị sát nhập; kinh phí thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu do mới được UBND tỉnh bố trí từ 50% ngân sách của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước, tỉnh chậm tiến độ kiểm kê đất đai do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện, song, do kỳ kiểm kê đất đai năm 2019 phải thực hiện chọn đơn vị tư vấn qua hình thức đấu thầu dẫn tới chậm tiến độ. Đến nay, địa phương đã hoàn thành kiểm kê 173/173 xã và cam kết tới ngày 30/10 sẽ hoàn thành về gửi báo cáo về Bộ TN&MT.

Mới đây, tại buổi làm việc với 12 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chỉ đạo: Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới hoạch định phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là hiện nay các địa phương đang thực hiện quy hoạch tỉnh, nếu không có số kiểm kê đất đai – đầu vào quan trọng xác định nhu cầu sử dụng đất trong thời gian tới. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương hoàn thành và gửi báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 20/10.

Để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, Tổng cục đã thông báo đường dây nóng sẵn sàng giải quyết các vướng mắc, khó khăn khi triển khai ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gấp rút hoàn thành kiểm kê đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO