Gặp lại ông "vua dẫn đường" trên trời

30/04/2017 00:00

(TN&MT) -  Nếu người Mỹ tự hào trong chiến tranh ở Triều Tiên 10 máy bay của Triều Tiên mới hạ được 1 máy bay mỹ. Nhưng khi đến Việt Nam  2 máy bay của Mỹ rơi, Việt Nam mới rơi 1 chiếc. Để có được những kỳ tích đó bên cạnh sự dũng cảm của phi công còn có sự đóng góp rất lớn của sỹ quan dẫn đường. Ở Việt Nam có một người được coi là “vua dẫn đường”, bởi trung bình 1 máy bay do ông dẫn hạ được 5 máy bay Mỹ. Ông chính là anh hùng LLVT Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, Nguyên Phó tổng Tham mưu Bộ tư lệnh Phòng không không quân.

Bước đường trở thành sỹ quan dẫn đường       

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1932 trong một gia đình có 10 người con ở xã Hoài Phủ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hồi nhỏ do nhà quá nghèo nên Chuyên là người duy nhất được đi học. Tuy nhiên sự nghiệp ăn học của Chuyên bị gián đoạn sau 3 năm chỉ vì không đủ tiền đóng học phí. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công cậu thiếu niên Nguyễn Văn Chuyên lúc này cũng tích cực tham gia vào dậy học trong chương trình bình dân học vụ. Sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp nổ ra, Chuyên đã một lòng đi theo cách mạng và tham gia bộ đội địa phương.          

Trong quân ngũ anh thanh niên Nguyễn Văn Chuyên nổi lên là một người thông minh, sáng dạ nên rất được cấp trên tin tưởng. Năm 1953, chuyên được điều đi học về cơ yếu ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Thế nhưng một lần nữa sự nghiệp của anh lại bị gián đoạn khi hiệp định Giơ ne vơ được ký kết năm 1954.          

Sau năm 1954, Nguyễn Văn Chuyên được tập kết ra bắc, và điều về Bộ tư lệnh không quân. Đây là một binh chủng đặc biệt bởi nó không chỉ cần sự nhiệt tình cách mạng mà cần phải có trình độ cao mới sử dụng được các loại máy móc hiện đại. Ý thức được điều đó, thời gian mới về binh chủng, Nguyễn Văn Chuyên đã tự học nâng cao kiến thức. Anh đã tự mày mò nghiên cứu các môn Toán Lý Hóa và tiếng Trung để chuẩn bị hành trang cho mình. 

Với những vốn liếng được đào tạo cộng với sự tự học của mình, Nguyễn Văn Chuyên là một trong 3 người được cử đi học tại  Trường Hàng không cao cấp Nam Uyển (Trung Quốc) và Học viện Không quân Ga-ga-rin (Liên Xô) từ năm 1959 – 1963 về ngành dẫn đường trong không quân.

Như vậy từ một người mới chỉ được đào tạo hết lớp 3, nhưng bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi cộng với tinh thần yêu nước Nguyễn Văn Chuyên đã nạp đủ kiến thức làm hành trang cho mình chuẩn bị cho một trận đánh trên không kinh thiên động địa. Ông đã trở thành một trong những người dẫn đường cho ngành không quân hàng đầu Việt Nam và quốc tế.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chuyền chia sẻ về những kỷ niệm hào hùng thời chống Mỹ
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ về những kỷ niệm hào hùng thời chống Mỹ

          

“Mắt thần” của phi công         

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ, khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên không họ hoàn toàn không thể quan sát được mục tiêu bằng mắt thường, vì thế người dẫn đường tuy ngồi ở sở chỉ huy mặt đất nhưng lại chính là “con mắt thần” của phi công. Để dẫn đường trên không thành công, người dẫn đường phải đảm bảo 3 yếu tố, thứ nhất là về hướng bay, hướng bay làm sao phải đảm bảo được tính bất ngờ với quân địch. Trong cuộc chiến trên không, ai nhìn thấy trước là người ấy chiến thắng. Thứ 2 về độ cao, người dẫn đường làm sao phải dẫn cho máy bay của ta thoát ẩn thoát hiện trên ra đa của đối phương mới có thể khiến họ không đoán được. Thứ 3 là về tốc độ bay, tốc độ bay có vai trò rất quan trọng tác động đến việc sử dụng nhiên liệu. Một máy bay chiến đấu chỉ có lượng nhiên liệu nhất định, nên phải điều chỉnh tốc độ phù hợp.          

Trong suốt giai đoạn dẫn đường cho không quân Việt Nam chiến đấu với cuộc không quân Mỹ giai đoạn 1965 – 1972, người “hoa tiêu” Nguyễn Văn Chuyên đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 110 trận, người lái bắn rơi 117 máy bay thuộc 14 kiểu  và bắn bị thương 1 B52 của Mỹ.          

Khi được hỏi về kỷ niệm khiến ông nhớ nhất thời kỳ dẫn đường cho không quân Việt Nam.  Đại tá Nguyễn Văn Chuyên chia sẻ đó những lần tham gia dẫn đường cho chiếc máy bay  Mig 21 mang số hiệu 4324 huyền thoại. Chiếc máy bay này vừa mới được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015 vì thành tích bắn hạ được nhiều máy bay Mỹ nhất (Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1967, máy bay đã tham gia chiến đấu ngăn chặn các đợt tấn công của không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam với 14 lần lập công bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại).

Ông Chuyên bên bảo vật quốc gia máy bay MIG 21 cùng gia đình
Bảo vật quốc gia máy bay MIG 21 tai Bảo tàng Phòng không - Không quân

         

Bản thân sỹ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên đã trực tiếp tham gia dẫn chiếc máy bay huyền thoại này 3 lần, lần đầu là ngày 16/9/1967 do phi công Nguyễn Ngọc Độ  lái; lần thứ 2 là ngày 27/9/1967 do pho công Phạm Thanh Ngân điều khiển và lần cuối cùng là ngày 3/10/1967 do pho công Nguyên Văn Lý lái.     

Với những thành tích của mình, Đại tá Nguyễn Văn Chuyên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT năm 2013, huân chương quân công hạng nhì, huân chương chiến thắng hạng 3 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài và ảnh: Thụy Anh – Hiếu Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp lại ông "vua dẫn đường" trên trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO