Doanh nghiệp - doanh nhân

EVNNPT nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện

PV 17/08/2023 - 12:52

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có buổi làm với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng 07 tháng đầu năm 2023 và thực hiện kế hoạch năm 2023.

Nhiều vướng mắc trong đầu tư xây dựng

Tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVNNPT - Phạm Lê Phú cho biết: Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, EVNNPT khởi công được 11 dự án, kế hoạch cả năm 39 dự án. Về dự án đóng điện, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, EVNNPT đóng điện được 10, kế hoạch cả năm 61 dự án. Trong 5 tháng cuối năm 2023, EVNNPT đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện mọi giải pháp, khắc phục khó khăn để đảm bảo tốt nhất các mục tiêu khởi công, đóng điện các dự án được giao.

anh1evnlamviecnpt1682023-20230816165547777.jpg
Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú (đứng) báo cáo tại cuộc họp

Theo lãnh đạo EVNNPT, trong quá trình khiển khai các dự án, EVNNPT gặp một số khó khăn vướng mắc như: Việc đăng ký kế hoạch sử dụng (KHSD) đất hàng năm cho các dự án lưới điện truyền tải gặp khó khăn như sau: một số địa phương chỉ yêu cầu Chủ đầu tư cần có văn bản đề nghị phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho dự án, kèm theo là các thông tin về diện tích đất dự kiến thu hồi, địa điểm thực hiện đến cấp huyện.

Tuy nhiên, một số địa phương lại yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp trích đo địa chính vị trí, diện tích đất dự kiến thu hồi mới phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Trong khi đó, các dự án lưới điện truyền tải thường trải dài dạng tuyến, việc thu hồi đất nhỏ lẻ, không tập trung, việc đo đạc bản đồ phục vụ cho công tác đăng ký kế hoạch sử dụng đất trong điều kiện các dự án chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật (TKKT) là khó thực hiện.

Cùng với đó, khó khăn về công tác quản lý đất đai tại địa phương còn tồn tại, bất cập dẫn đến công tác BTGPMB chậm. Khó khăn về chính sách BTGPMB trong đơn giá đất, công tác bồi thường phục vụ thi công, về quy định cải tạo nhà không đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn đường điện.

Ngoài ra, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Cùng với đó các khó khăn, vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu.

anh2evnlamviecnpt1682023-20230816165609090.jpg
Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương (ngồi giữa) phát biểu tại cuộc họp

EVNNPT đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, tại cuộc họp, lãnh đạo EVNNPT kiến nghị EVN kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương: Đối với các dự án sẽ xây dựng theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt, trường hợp có sử dụng đất rừng (nói chung), đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng công trình điện mà không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho từng dự án (trong trường hợp đã được UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có dự án thỏa thuận địa điểm xây dựng, hướng tuyến đường dây; Diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng trong hạn mức quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).

Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết hoặc Nghị định việc CMĐSDR. Trong đó cho phép EVN/EVNNPT thực hiện chủ trương CMĐSDR trong quá trình lập BCNCKT; tọa độ, diện tích rừng cần chuyển đổi sẽ được xác định trong giai đoạn TKKT và có hướng dẫn đối với các công trình tạm (đường công vụ, vệt kéo dây, bãi tập kết vật liệu) để phục vụ công tác thi công các dự án lưới điện truyền tải, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện thi công các đoạn tuyến phải vượt rừng.

Đối với Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, trên cơ sở Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, EVN/EVNNPT có trách nhiệm đăng ký, cung cấp nhu cầu sử dụng đất hàng năm, 5 năm, 10 năm tới hoặc đến 2030 cho UBND các tỉnh, thành để bố trí quỹ đất. UBND các tỉnh thành có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất cho công trình lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VIII do EVN/EVNNPT đầu tư xây dựng (việc bố trí quỹ đất cần được thể hiện bằng văn bản, bản đồ... và được gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT...) theo định kỳ (hàng năm hoặc 5 năm, và đến năm 2030).

anh3evnlamviecnpt1682023-20230816165631765.jpg
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh (ngồi bên trái) phát biểu tại cuộc họp

Đối với công tác thẩm định kết quả đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép tiếp nhận, thụ lý hồ sơ ĐTM song song với quá trình lập chủ trương đầu tư (chưa phê duyệt chủ trương đầu tư) đối với các dự án đã có trong danh mục của quy hoạch điện VIII và giao cho EVN, EVNNPT lập chủ trương đầu tư.

Chính quyền địa phương các cấp tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thỏa thuận vị trí TBA và tuyến đường dây; công tác BTGPMB…đối với các dự án đầu tư lưới điện truyền tải;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét nới rộng thời gian tính “sản lượng trung bình tháng trong năm gần nhất” và thống nhất giữa các biểu mẫu chào giá và hướng dẫn đánh giá đối với mẫu E-HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022.

Lãnh đạo EVNNPT cũng kiến nghị EVN tiếp tục hỗ trợ EVNNPT làm việc với các chính quyền địa phương có khó khăn vướng mắc trong công tác BTGPMB nhằm đảm bảo tiến độ khởi công, hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư xây dựng giao hàng năm cho EVNNPT; Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép chủ đầu tư/đơn vị quản lý dự án được triển khai công tác thi công xây dựng các dự án khi chính quyền địa phương hoàn thành việc thu hồi đất, BTGPMB. Việc hoàn thiện các thủ tục về thuê đất, giao đất theo quy định, chủ đầu tư/đơn vị quản lý dự án có trách nhiệm phối hợp với các các cấp chính quyền địa phương thực hiện song song với quá trình thu hồi đất, BTGPMB.

Sớm giao EVNNPT nhiệm vụ triển khai các dự án lưới điện truyền tải, đặc biệt đối với các dự án phát sinh mới trong giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án giai đoạn 2026 - 2030 để EVNNPT triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo yêu cầu.

Cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu chung

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh và Phạm Hồng Phương ghi nhận và đánh giá cao EVNNPT trong thời gian qua đã rất nỗ lực để hoàn thành nhiều dự án quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án chưa đáp ứng được yêu cầu với nhiều lý do khách quan, vì vậy yêu cầu EVNNPT cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng mục tiêu đề ra.

anh4evnlamviecnpt1682023-20230816165650055.jpg
Ông Nguyễn Đức Cường - Thành viên HĐTV EVN chủ trì và phát biểu kết luận cuộc họp

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Cường - Thành viên HĐTV EVN cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng EVNNPT đã đạt được nhiều mục tiêu, kế hoạch trong đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Đức Cường yêu cầu EVNNPT cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình lưới điện trọng điểm như: Các dự án nâng cao năng lực truyền tải liên vùng như Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối…; các công trình giải tỏa nguồn công suất nguồn điện, các công trình đường dây phục vụ nhập khẩu điện từ Lào.

EVNNPT rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư của các dự án lưới điện; Nâng cao năng lực các Ban QLDA của EVNNPT. EVNNPT cần chú trọng phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng để tháo gỡ ngay từ đầu vào để từ đó có sự chủ động.

Đối với những kiến nghị của EVNNPT, lãnh đạo EVN khẳng định sẽ chung sức cùng EVNNPT để đảm bảo mục tiêu tiến độ dự án đề ra nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVNNPT nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO