Đường lún phải sửa chữa, nhà thầu đổ lỗi cho xe quá tải

13/11/2015 00:00

  (TN&MT) -  Đại diện BQLDA đường Hồ Chí Minh cùng nhà thầu thi công thì cho rằng xe quá tải làm hỏng đường, trong khi đó Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk...

 

(TN&MT) - Mấy ngày nay, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà thầu trám lại khoảng 1km đường Lê Duẩn, đoạn từ Trường Đại học Tây Nguyên xuống Bến xe phía Nam (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vì bị lún. Đại diện BQLDA đường Hồ Chí Minh cùng nhà thầu thi công thì cho rằng xe quá tải làm hỏng đường, trong khi đó Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk lại khẳng định đó không phải là nguyên nhân.

Bắt đầu từ ngày 7/11, nhà thầu thi công đã cho cắt khoảng 1km làn xe tải của đường Lê Duẩn, đoạn từ Đại học Tây Nguyên xuống Bến xe phía Nam để sửa chữa lại. Trên con đường 1 chiều mỗi bên 3 làn xe, làn đường dành cho xe tải đã được cắt ở 2 rãnh (rộng khoảng 1m, sâu khoảng 10cm), tương ứng với các vệt bánh xe tải chạy qua.

Theo ông Phạm Quang Nghiêm - Giám đốc điều hành khu vực Krông Búk - Buôn Ma Thuột, thuộc BQLDA đường Hồ Chí Minh, đoạn đường trên do Công ty Xây dựng 470 (ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) làm nhà thầu thi công, tổng giá trị khoảng 80 tỷ đồng. Vào tháng 8/2015, BQLDA đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra và phát hiện khoảng 1km đường thuộc làn xe tải 2 bên có hiện tượng lằn vết bánh xe và lớp nhựa nổi lên nên đã yêu cầu nhà thầu là Công ty Xây dựng 470 khắc phục.

Đơn vị thi công cho cắt 2 rãnh ở làn xe tải để do có dấu hiệu lún
Đơn vị thi công cho cắt 2 rãnh ở làn xe tải để sửa chữa do có dấu hiệu lún

Theo ông Trịnh Phú Tâm - Giám đốc Xí nghiệp 471 (thuộc Công ty Xây dựng 470), đơn vị nhận thi công gói thầu dài 2,2km đường Lê Duẩn, đoạn từ gần Cầu Ea Tam (Cầu Trắng) đến Bến xe phía Nam, thiết kế đường 1 chiều (mỗi chiều 3 làn xe). Đoạn đường này chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2014 và hết thời hạn bảo hành vào tháng 8/2015.

Sau khi BQLDA kiểm tra, phát hiện làn xe tải 2 bên có dấu hiệu lún và yêu cầu công ty đã thuê người, máy móc cắt lớp nhựa cũ để “trám” lớp nhựa khác vào. Dự kiến, việc việc “trám” đường sẽ kéo dài khoảng 10 - 15 ngày với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Sau khi hoàn thành, công ty sẽ yêu cầu BQLDA và các đơn vị có liên quan tiến hành nghiệm thu hết bảo hành, đồng thời hết trách nhiệm với gói thầu.

Ông Phạm Quang Nghiêm khẳng định: “Công ty Xây dựng 470 là nhà thầu có năng lực, thi công theo đúng thiết kế và đảm bảo chất lượng đoạn đường này. Việc BQLDA yêu cầu Công ty Xây dựng 470 khắc phục đoạn đường này thể hiện trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước của BQLDA và trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình được nghiệm thu. Sau khi việc sửa chữa hoàn thành, chất lượng đoạn đường này cũng sẽ không bị ảnh hưởng(?)”. Về nguyên nhân, ông Nghiêm cho rằng: “Theo thiết kế cũ, tỉ lệ nhựa đường lớp trên cao (5,6% so với thiết kế mới là 4,9%) và lớp bê tông nhựa có hàm lượng đá mịn hơn. Trong khi đó, thời tiết Tây Nguyên luôn nắng nóng và xe quá tải thường xuyên chạy qua nên đoạn đường này mới có dấu hiệu lún”.

Khi PV đặt câu hỏi tại sao chỉ có khoảng 1km đường trong cả gói thầu dài 2,2km bị lún thì ông Trịnh Phú Tâm lý giải: “Đoạn đường này bắt đầu vào khu vực đông dân cư của thành phố, các xe đến đoạn đường này bắt đầu thắng lại để giảm tốc độ. Xe quá tải trọng đi lại nhiều, cộng với quá trình thắng gấp khiến bánh xe và mặt đường lớp bê tông thứ 2 bị chà xát mạnh nên mới xảy ra hiện tượng trên(?)”.

Làn xe tải được “trám” một lớp nhựa mới
Làn xe tải được “trám” một lớp nhựa mới

Theo ông Trần Thủ - Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk, có rất nhiều nguyên nhân xảy ra hiện tượng lún đường, về phía chủ quan là từ các khâu khảo sát địa chất; thiết kế đường; thi công nền đường, móng đường, các lớp thảm bê tông nhựa; chất lượng vật liệu… đến các tác động khách quan khác như thời tiết nắng nóng hoặc xe quá tải chạy qua.

Cũng theo ông Thủ, từ khi Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của tỉnh Đắk Lắk đi vào hoạt động (ngày 6/5/2014), thay đổi vị trí tại các QL14, QL26 và QL27 thì số lượng xe vi phạm tải trọng ngày càng giảm. Cụ thể, từ ngày 6/5 - 31/12, cơ quan chức năng đã kiểm tra 404 trường hợp xe vi phạm tải trọng nhưng từ đầu năm đến nay, con số vi phạm chỉ còn 116 xe. Gần đây nhất, Trạm cân 53 hoạt động trên QL14 từ ngày 26/10 - 10/11 cũng chỉ phát hiện 12 trường hợp xe vi phạm tải trọng (10 xe vi phạm từ 10 - 20% và 2 xe vi phạm từ 20 - 50%).

Việc nhà thầu cho rằng xe quá tải làm đường lún, ông Thủ cho rằng: “Nếu xe quá tải chạy qua thì cả con đường đều lún chứ không riêng gì một đoạn nào. Xe quá tải vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể và chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ, việc lún đường rõ ràng là do các nguyên nhân khác”. Về con đường sau khi được sửa chữa, ngoài việc làm mất mỹ quan, ông Thủ cho rằng chất lượng có thể sẽ vẫn bị ảnh hưởng.

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường lún phải sửa chữa, nhà thầu đổ lỗi cho xe quá tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO