Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Cơ hội cho điện gió, điện mặt trời

25/11/2016 00:00

(TN&MT) - Nắng, gió là hai “đặc sản” khí hậu đặc trưng nhất của tỉnh Ninh Thuận. Nhìn ở góc độ tiềm năng thế mạnh, những đặc trưng khác biệt này giúp địa phương có lợi thế so sánh trong việc khai thác phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió. Khai thác, phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang là cơ hội lớn tại địa phương trong bối cảnh Quốc hội cho dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo
Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) tại Ninh Thuận cho biết, tốc độ gió tại Ninh Thuận vào hàng ấn tượng nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam. Tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s, ở độ cao 12m. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 14 vùng gió tiềm năng, trải trên phạm vi khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, Ninh Thuận là địa phương hầu như không có bão; ngoài ra, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Cũng theo WB, Ninh Thuận có thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn, bình quân trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011, xác định năng lượng là nhóm ngành đầu tiên trong 6 nhóm ngành được tập trung ưu tiên phát triển tại Ninh Thuận, trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo để Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước; mục tiêu đến năm 2020 nhóm ngành này đóng góp 11% GDP và giải quyết 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Ngoài triển phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và hoạt động vào năm 2020; Ninh Thuận có nhiều cơ hội phát triển điện gió ở 14 vùng tiềm năng gió quy mô 1.600 MW, điện mặt trời quy mô 282 MW.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, năm 2013 tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thiện đề án quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn 2030, được Bộ Công thương phê duyệt. Theo quy hoạch này, Ninh Thuận có 5 khu vực tiềm năng phát triển điện gió, giai đoạn 2011- 2020 trên diện tích gần 21.500 ha, công suất dự kiến 1.429 MW.

Nhiều dự án điện gió đang được triển khai
Nhiều dự án điện gió đang được triển khai

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2009, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH EAB Viet Wind Power với dự án xây dựng Nhà máy điện gió Phước Hữu (1.495 tỷ đồng). Địa phương cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Enfinity Asia Pacific Limited ở dự án đầu tư nhà máy điện gió - điện mặt trời (15.300 tỷ đồng). Trước đó, vào cuối năm 2008, tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện gió Phước Dân (huyện Ninh Phước), do Công ty cổ phần Năng lượng Thương Tín (Sacomreal) công suất dự kiến 50 MW, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1.300 tỷ đồng.

Cuối tháng 8/2016, tại Ninh Thuận đã khởi công dự án Nhà máy điện gió Trung Nam, nằm trên địa bàn hai xã Lợi Hải và Bắc Phong huyện Thuận Bắc, tổng công suất lắp máy 90 MW (gồm 45 tuabin). Tổng diện tích đất khảo sát cho dự án khoảng 851 ha với tổng mức đầu tư 3.780 tỷ đồng. Sản lượng điện phát hằng năm khoảng 259,7 triệu kWh/năm.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2016 được tổ chức cuối tháng 8/2016, tỉnh Ninh Thuận đã ký thỏa thuận với Công ty Kimin Power (Vương Quốc Anh) về đầu tư dự án Trang trại điện gió tại huyện Ninh Phước, với công suất 120MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.460 tỷ đồng.

Cũng tại Hội nghị này, Ninh Thuận còn trao Quyết định chủ trương đầu tư cho nhiều dự án năng lượng tái tạo khác, gồm Dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 của Công ty TNHH Hưng Tín; Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại của Liên doanh các nhà đầu tư Việt Nam là Công ty Cổ phần TSV, Công ty TNHH MTV Vòng Tròn Xanh và cá nhân ông Đỗ Văn Điện và các nhà đầu tư Singapore gồm Công ty The Blue Circle và Công ty Mekong Wind. Riêng dự án của The Blue Circle công suất dự kiến 40 MW, sẽ khởi công năm 2017 cho giai đoạn I. Tổng mức đầu tư giai đoạn đầu vào khoảng 60 triệu USD.

Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận đã công bố danh sách kêu gọi đầu tư đối với gần 60 dự án khác, trong đó có các dự án phát triển điện gió, điện mặt trời; các dự án cơ khí, chế tạo phụ tùng ngành điện gió - điện mặt trời.

Tiềm năng đã được xác định, quy hoạch cũng xây dựng từ lâu, vấn đề có lẽ ở chỗ địa hương cần xác định trọng tâm trong chiến lược đầu tư, từ đó có những ưu tiên về chính sách, đi kèm là chỉ đạo quyết liệt; cũng như có những đề xuất với Trung ương về cơ chế, tạo cú hích cho phát triển năng lượng tái tạo.

Nguyễn Văn 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Cơ hội cho điện gió, điện mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO