Đưa tham vấn cộng đồng trong ĐTM đi vào thực chất

16/11/2016 00:00

(TN&MT) –Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi người dân, hỗ trợ chủ đầu tư dự án xác định các rủi ro tiềm ẩn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường mà quá trình thiết kế dự án có thể chưa tính đến, đồng thời, gợi mở những phương án ứng phó và giảm thiểu rủi ro.

Theo đánh giá của Viện Môi trường & Phát triển bền vững (VESDI) tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong đánh gía tác động môi trường các dự án phát triển KT - XH ở Việt Nam” tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội, qua khảo sát một số dự án tiêu biểu như: xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Quảng Ninh); nạo vét luồng sông ở Thanh Hóa; đầu tư mỏ khai thác đá vôi, đá sét Chà Vá ở Tây Ninh; xây dựng nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV ở Cần Thơ cho thấy, thực tế thời gian qua, tham vấn cộng đồng ĐTM của các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam chủ yếu mang tính hình thức; các thông tin dự án cung cấp cho địa phương thường không đầy đủ, gây khó khăn cho người dân địa phương đưa ra ý kiến.

Mặt khác, các ý kiến người dân địa phương không thực sự được phản ánh trong báo cáo ĐTM hoặc không phản ánh chính xác tâm tư nguyện vọng của người dân; nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường không đầy đủ; việc bồi thường, thu hồi đất và tái định cư không được đánh giá đầy đủ trong báo cáo ĐTM; các tổ chức chuyên môn không được tham vấn.

Cộng đồng địa phương có quyền được tiếp cận, tham gia thảo luận, đối thoại, đóng góp ý kiến vào dự án và ĐTM của dự án
Cộng đồng địa phương có quyền được tiếp cận, tham gia thảo luận, đối thoại, đóng góp ý kiến vào dự án và ĐTM của dự án

Những bất cập trên đang hạn chế khả năng tiếp cận và giám sát của cộng đồng trong ĐTM nói riêng và hoạt động bảo vệ môi trường nói chung. Các quyền cơ bản của cộng đồng như: quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tham gia đầy đủ; quyền được đảm bảo về thể chế luật pháp và quyền được nâng cao về năng lực, đều chưa được đảm bảo.

Do vậy, việc xây dựng cơ chế, giải pháp để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM các dự án phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là rất cần thiết. Bởi lẽ, sự tham gia tích cực của cộng đồng sẽ giảm thiểu các hạn chế trong các văn bản pháp luật liên quan đến tham vấn cộng đồng trong ĐTM; giảm thiểu mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cộng đồng thông qua việc áp dụng chính sách và quy định của Nhà nước, thực hiện đền bù trong thực tế, giải phóng mặt bằng cho dự án, thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe cộng đồng và các vấn đề xã hội khác của chủ dự án và chủ thầu xây dựng…

Theo PGS.TS Trần Yêm – Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM các dự án kinh tế - xã hội ở Việt Nam”, trước hết, phải tăng cường quyền được tiếp cận, quyền tham gia thảo luận, đối thoại, đóng góp ý kiến; minh bạch thông tin về dự án cũng như ĐTM của dự án thông qua các buổi họp dân cấp phường/xã, gửi email và công văn theo đường bưu điện hay phát hành các thông cáo chung. Đồng thời, tăng cường sự tham gia giám sát của công chúng trong các giai đoạn của dự án kinh tế - xã hội. Nhà nước cần xây dựng và ban hành hướng dẫn hoặc quy định có tính pháp lý về tham vấn công chúng trong ĐTM.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa tham vấn cộng đồng trong ĐTM đi vào thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO