Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: Tiêu điều “sông Cha”

Bài và ảnh: Phạm Hoài| 26/05/2020 10:41

(TN&MT) - Sông Krông Nô là một trong hai nhánh chính đầu nguồn sông Sêrêpốk, từ xa xưa người dân bản địa đã truyền tai nhau với tên gọi thiêng liêng và cao cả bằng hai chữ “sông Cha”. Thế nhưng, chỉ chưa đầy một thập kỷ trở lại đây, với sự lộng hành của “cát tặc”, quá trình quản lý lỏng lẻo của chính quyền đã làm cho lòng sông ngày một phình to, kéo theo hàng trăm héc ta đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở, đổ sập xuống đáy sông.

“Rút ruột” lòng sông

Theo chân những người dân sinh sống và canh tác nông nghiệp giáp với bờ sông Krông Nô thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô chúng tôi không khỏi bất ngờ và hoang mang vì tình trạng sạt lở, biến dạng nghiêm trọng của đôi bờ “sông Cha”. Chỉ tay về phía một số con tàu không số đang di chuyển giữa sông, ông Nguyễn Tiến An (trú ở Thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô) lắc đầu nói: “Từ nhiều năm nay, ngày cũng như đêm, những chiếc tàu không số chạy ngang dọc, cắm vòi xuống và hút khắp nơi làm sạt không biết bao nhiêu đất của người dân mà kể. Khu vực này trước kia người dân ở nhiều và mưu sinh chủ yếu bằng nghề nông nghiệp như trồng lúa, bắp, đậu…”

Hàng trăm mét đất dọc bờ sông Krông Nô bị sạt lở ngày một nghiêm trọng

Men theo bờ sông đang nứt nẻ, chúng tôi gặp anh Đinh Văn Hoàn (trú ở Thôn Cao Sơn) anh cho hay: Những chiếc tàu hút cát này đã có mặt tại đây hơn 10 năm rồi. Từ khi chúng hoạt động tại đây, nhiều nhà đã bị mất đất, thậm chí, mất gần hết đất. Chúng tôi rất sợ những tàu hút cát này, biết rằng vòi hút cát cắm thẳng vào đất nhà mình nhưng chẳng dám nói vì sợ bị hành hung. “Có mấy lần, thấy đang hút ầm ầm ngày bờ đất nhà minh nên tôi và mấy người chạy ra ngăn cản liền bị chúng nó lấy cây đòi đánh rồi chửi bới, đe doạ.” Anh Hoàn bức xúc nói.

Bán đất cho… “cát tặc”?!

Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, anh Vương Văn Hậu (trú tại thôn 3) cho biết, khoảng 3 - 4 giờ sáng mỗi ngày, hàng chục tàu lớn tiến sát, đưa vòi rồng vào sát bờ hút cát. Bờ bị hút rỗng chân, đất sạt lở ầm ầm xuống sông, trong nhà còn nghe rõ tiếng. “Cách đây vài tháng, một chủ tàu hút cát đến gạ mua khoảng 1 sào đất chưa bị sạt lở của gia đình tôi với giá 12 triệu đồng. Không còn cách nào giữ nên tôi bán luôn cho họ. Không bán họ cũng lén vào chân ruộng hút cát, rồi đất cũng sạt lở và mất trắng. Bán rẻ còn được ít tiền." -  anh Hậu buồn bã tâm sự.

Trước đó, cuối tháng 9/2019, lực lượng chức năng Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang 4 tàu hút cát cỡ lớn đang đục khoét chân ruộng hộ bà Duy Khánh Toàn (thôn 3, xã Buôn Choah) làm sạt lở hơn 1.400m2. Cơ quan chức năng xác định, trên bốn tàu này còn chứa hơn 115m3 cát vừa được hút lên. Trao đổi với Phóng viên, bà Toàn thừa nhận đã bán 0,4 ha đất của gia đình sát mặt sông cho "cát tặc" để lấy 90 triệu đồng vì không thể giữ lại được.

Những con tàu không số, không tên hiệu ngày đêm ngâm mình đục khoét “sông cha”

Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cũng xác nhận có việc người dân phải bán đất cho các chủ tàu hút cát nhưng “xã không thống kê cụ thể được”. Giá bán đất cũng chỉ cao nhất là 18 triệu đồng/1 sào, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Việc mua bán này không thông qua xã nên chưa ngăn chặn được vụ nào. Tuy vậy, xã cũng tăng cường tuyên truyền để người dân giữ đất, vì càng bán, đất càng sạt lở vào sâu hơn. Trên chiều dài dọc sông Krông Nô khoảng 5 km dọc sông Krông Nô, có hàng trăm hộ dân của xã có đất bị ảnh hưởng do nạn khai thác cát trái phép với tổng diện tích khoảng 80 ha bị sạt lở. Tuy vậy, đến thời điểm này, chưa có bất kỳ hộ dân nào được bồi thường. Chính vì lý do này, người dân từ thế đối kháng với cát tặc lại quay sang thỏa hiệp để bán đất.

“Hụt hơi” trong quản lý?

Mặc dù, tình trạng khai thác trái phép và chưa đúng các quy định diễn ra cả chục năm qua, gây nhiều bức xúc cho người dân cũng như dư luận. Điều đáng nói, “vấn nạn” này đã được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh nhiều. Thế nhưng, sau khi tiến hành kiểm tra, xử lý hành chính một vài trường hợp thì tiếng máy hút, tiếng tàu chạy chỉ tạm ngừng một vài tuần rồi tiếp tục thực hiện “sứ mệnh” đào bới, đục khoét “sông Cha” của các đối tượng cát tặc.

Một trong những điều khó hiểu và bất cập nhất là ngoài những quy định của pháp luật dựa theo các Nghị định của Chính phủ về xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trong những năm qua, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã có ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý chung dòng sông Krông Nô. Tuy vậy, mỗi khi làm việc và đặt vấn đề vì sao việc quản lý việc khai thác cát sỏi lòng sông Krông Nô chưa đi vào thực tế và mang lại hiểu quả. Tất các các cấp ngành của hai tỉnh đều có chung câu trả lời “do dòng sông Krông Nô nằm giáp ranh giữa hai tỉnh nên rất khó xử lý mỗi khi phát hiện vi phạm”.

Người dân chênh vênh canh tác nông nghiệp trên bờ sông sặp đổ sụp

Theo ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah, đoạn sông này lại giáp ranh giữa hai tỉnh nên chính quyền xã Buôn Choáh không thể kiểm tra, xử lý được. Khi phát hiện sà lan khai thác cát trái phép trên địa phận xã, nhưng khi tổ chức lực lượng đến nơi kiểm tra thì họ cho sà lan chạy sang phần sông do tỉnh Ðắk Lắk quản lý nên chúng tôi đành "bó tay". Thậm chí, khi lực lượng của xã lên được sà lan rồi nhưng bọn "cát tặc" vẫn cho sà lan chạy sang địa giới xã Ea Na rồi chối bay chối biến, vu cho chính quyền xã Buôn Choáh lộng quyền…

Ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát trên sông tại khu vực giáp ranh các tỉnh nói riêng theo quy định, phải tuân thủ theo địa giới hành chính để cấp phép. Tuy vậy, trên cùng một khúc sông giáp ranh 2 tỉnh nếu không có sự phối hợp tốt trong công tác cấp phép, rất khó quản lý và có thể xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa các đơn vị được cấp phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: Tiêu điều “sông Cha”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO